Các đại diện đến từ nhiều cơ quan chức năng khác nhau cho rằng, việc để lộ thông tin trên mạng xã hội đã giúp các đối tượng xấu dễ dàng nắm được tình trạng cá nhân và tung chiêu lừa đảo.
Những ngày qua, người dân vô cùng hoang mang trước những báo cáo về chiêu trò lừa đảo gọi điện cho phụ huynh đánh lừa rằng con/em mình đang cấp cứu tại bệnh viện để dụ dỗ chuyển tiền. Hàng loạt các bậc cha mẹ không mảy may nghi ngờ 'sập' bẫy của kẻ xấu. Cho đến khi nhận ra mình bị lừa thì đã 'tiền mất tật mang'.
Sự việc ngày càng nghiêm trọng khi các đối tượng lừa đảo thường nhằm vào những phụ huynh ở xa con trẻ, ít nắm bắt tình hình cá nhân của con. Thậm chí, bọn chúng còn 'đánh' vào tình mẫu tử người mẹ thường dễ mất bình tĩnh hoặc gọi điện cho các gia đình có điều kiện, con được học trường tư thục, quốc tế.
Thời gian gần đây, chiêu thức của kẻ lừa đảo ngày càng tinh vi hơn khi chúng nắm rõ thông tin cơ bản của học sinh, thậm chí tên trường lớp, giáo viên chủ nhiệm hoặc bộ môn...
Lý giải nguyên nhân vì sao có việc rò rỉ thông tin cá nhân của học sinh và phụ huynh để kẻ lừa đảo nắm được, ông Nguyễn Đình Độ - Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân chia sẻ trong buổi tọa đàm "Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học" vào sáng ngày 17/3 tại TP.HCM, nhà trường rất coi trọng việc bảo mật thông tin cá nhân của học sinh. Trường chỉ giao cho một cá nhân phụ trách và chỉ nhân viên đó mới được phép nhập, xem thông tin chi tiết.
Hiện tại, nhiều đối tác thường có xu hướng xin thông tin cá nhân của học sinh, phụ huynh khi có dịp hợp tác. Về phía nhà trường, việc cung cấp thông tin này được quy định rất nghiêm ngặt và hạn chế để lộ ra ngoài.
Không chỉ về phía nhà trường mà vấn đề lộ thông tin cá nhân của phụ huynh, học sinh còn xuất phát từ việc một số bậc cha mẹ thường xuyên đăng tải ảnh bảng điểm, giấy khen hoặc những thành tích của con trẻ lên mạng xã hội. Thậm chí, một số phụ huynh chuẩn bị đi du lịch còn đăng ảnh lên mạng với nội dung "tạm biệt con yêu". Điều này tạo nên nguy cơ cao để tội phạm theo dõi thông tin đời tư của nạn nhân.
Không những thế, việc cho trẻ sử dụng mạng xã hội quá sớm cũng là một trong những điều tiềm ẩn nhiều rủi ro lộ thông tin. Nhất khi các tội phạm ngày nay lợi dụng nhiều lỗ hỏng trên mạng Internet để 'đánh cắp' thông tin từ các nền tảng mạng xã hội. Để con trẻ chơi game mà không có sự kiểm soát của người lớn có thể làm lộ tài khoản ngân hàng, số căn cước...
Tại buổi tọa đàm, những chuyên gia, đại diện cơ quan chức năng cảnh báo các bậc phụ huynh nên đề cao cảnh giác với những cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Đặc biệt là những đối tượng tự xưng là nhân viên của một cơ sở nào đó để xin thông tin hoặc bảo làm theo những yêu cầu của bọn chúng. Ví dụ như khi nhận những cuộc gọi báo con em bị ngã ở trường, yêu cầu chuyển tiền gấp để thanh toán viện phí cấp cứu, các bậc phụ huynh nên chủ động xác minh thông tin đó với phía nhà trường hoặc cơ quan chức năng địa phương gần nhất.
Ảnh: Tổng hợp