Hiện nay, mỗi công dân được cấp số định danh riêng biệt trong các thủ tục hành chính để thuận lợi cho công tác quản lý và truy xuất mà công dân nên nhớ.
Số định danh được cung cấp riêng cho mỗi công dân nhằm thực hiện các thủ tục hành chính một cách thuận lợi và tạo điều kiện cho công việc truy xuất được dễ dàng. Có 3 mã số định danh mà người dân nhất định không được quên, tốt nhất là nên thuộc lòng để tránh gặp phải những vướng mắc trong việc giải quyết thủ tục hành chính sau này.
1. Số định danh cá nhân trên thẻ Căn cước công dân
Điều 12 Luật Căn cước công dân, số định danh của mỗi cá nhân được xác lập dựa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Số định danh cá nhân dùng để cập nhật, chia sẻ và khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Số định danh cá nhân được sử dụng đồng bộ và quản lý thống nhất bởi Bộ Công an. Mỗi số định danh được cấp cho mỗi cá nhân và không có sự trùng lặp. Điều này đồng nghĩa với việc số định danh cá nhân gắn bó với công nhân đó trong suốt quãng thời gian rất dài, không lặp lại đối với người khác.
Cấu tạo của số định danh cá nhân được quy định ở Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP như sau: Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên bao gồm 12 số có cấu trúc gồm 6 số mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số cuối là khoảng số ngẫu nhiên.
2. Số định danh bảo hiểm
Quan trọng không kém Căn cước công dân là bảo hiểm của công dân. Mỗi công dân được cấp một số định danh để quản lý trong lĩnh vực bảo hiểm. Số định danh bảo hiểm cũng chính là mã số bảo hiểm xã hội, số thẻ bảo hiểm y tế. Cơ quan Bảo hiểm xã hội phụ trách cấp cho công dân và mã số đó được ghi trên sổ bảo hiểm xã hội cũng như thẻ bảo hiểm y tế.
Khoản 2.13 Điều 2 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 nhắc đến: Mã số bảo hiểm xã hội là số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan bảo hiểm xã hội cấp để ghi trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.
Việc sử dụng mã số bảo hiểm xã hội có liên quan đến mã định danh y tế. Mỗi công dân được cấp một mã định danh y tế khác nhau và có giá trị suốt đời. Các cơ sở y tế sẽ sử dụng mã định danh này để liên kết thông tin sức khỏe của người dân với bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử cũng như các phần mềm khác liên quan đến quản lý y tế của công dân.
3. Số định danh xe cá nhân
Số định danh xe cá nhân cũng chính là biển số xe định danh vừa được nhà nước bắt đầu áp dụng và có hiệu lực từ ngày 15/8/2023. Mỗi công dân được cấp biển số định danh cho phương tiện. Biển số định danh này có giá trị vĩnh viễn đối với công dân đó. Khi bán phương tiện, công dân cần làm thủ tục thu hồi biển số xe định danh cho cơ quan chức năng và sẽ được cấp lại khi đăng ký phương tiện khác.
Biển số xe được quản lý theo số định danh cá nhân đối với chủ xe là công dân Việt Nam. Nếu chủ xe là người nước ngoài thì biển số xe quản lý theo số định danh của người nước ngoài do hệ thống định danh hoặc số thẻ thường trú, tạm trú hoặc những chứng từ khác cho cơ quan thẩm quyền cấp.
Những biển số xe 5 chữ số đã đăng ký trước ngày 15/8/2023 mà chưa làm thủ tục thu hồi thì biển số đó được mặc định là biển số định danh của chủ xe theo Khoản 1 Điều 39 Thông tư số 24 quy định.