24h
Yeah1 News

Từ 15/8, xe không chính chủ thì biển số định danh sẽ thuộc sở hữu của ai?

Thứ năm, 17/08/2023 | 21:35 (GMT+7)

Đối với những chiếc xe không chính thủ, biến số định danh của xe sẽ thuộc về sở hữu của ai? Đây cũng là điều khiến nhiều người không khỏi thắc mắc.

Theo Thông tư 24/2023 của Bộ Công an, từ ngày 15/8, biển số ô tô, xe máy sẽ được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe. Những người đang sở hữu biển 5 số sẽ mặc định là biển số định danh của người đứng tên trên giấy đăng ký xe. 

Trong trường hợp xe không chính chủ đã đăng ký biển 5 số thì mặc định biển số đó là biển số định danh của người đứng tên trên giấy đăng ký xe - tức chủ cũ của xe. Khi chuyển đổi biển số định danh, sẽ cấp định danh cho người đang đứng tên trên giấy đăng ký xe (cà vẹt xe) chứ không phải cấp cho người đang sử dụng xe.

Vì vậy nên trong vòng 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ bán xe, chủ xe phải làm thủ tục thu hồi. Nói cách khác, "biển số đi theo người" nên bán xe, không bán biển số. Người bán phải có trách nhiệm với biển số định danh đã được cấp.

Từ 15/8, xe không chính chủ thì biển số định danh sẽ thuộc sở hữu của ai? - ảnh 1

Từ 15/8/2023, việc mua bán xe máy, ô tô sẽ không kèm theo biển số xe, trừ trường hợp mua bán xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá

Mức phạt tiền lỗi không làm thủ tục thu hồi giấy đăng ký, biển số xe khi bán xe máy là từ 800.000 – 2.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 1.600.000 – 4.000.000 đồng đối với tổ chức. Nếu chủ xe ô tô không chấp hành việc thu hồi giấy đăng ký, biển số xe, sẽ phạt tiền từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000- 8.000.000 đồng đối với tổ chức. 

Ngoài bị xử phạt, chủ cũ của xe còn phải chịu mọi trách nhiệm pháp lý với chiếc xe đang gắn biển số của mình. Ví dụ khi gặp tai nạn giao thông hoặc có hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào người đứng tên sở hữu phương tiện để xác minh. Vì vậy khi chuyển quyền sở hữu xe, người dân cần đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục theo quy định để tránh những rắc rối.  Cũng theo Thông tư mới, người mua xe qua nhiều đời chủ, xe mất giấy tờ vẫn được sang tên chính chủ. Cụ thể, trường hợp có đầy đủ giấy tờ thì trong 2 ngày làm việc, cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi theo quy định và đăng ký sang tên xe.

Từ 15/8, xe không chính chủ thì biển số định danh sẽ thuộc sở hữu của ai? - ảnh 2

Chủ xe phải chịu mọi trách nhiệm pháp lý với chiếc xe đang gắn biển số của mình.

Trường hợp xe mất giấy tờ chuyển quyền sở hữu của người bán cuối cùng thì cơ quan đăng ký xe cấp giấy hẹn có giá trị được sử dụng xe trong thời gian 30 ngày. Sau đó, công an sẽ gửi thông báo cho chủ xe và cơ quan đăng ký xe đã đăng ký cho xe đó; niêm yết công khai về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký của tổ chức, cá nhân tại trụ sở cơ quan đăng ký xe; tra cứu, xác minh tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký xe. Sau 30 ngày nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi và giải quyết đăng ký sang tên xe.

Trước những hoang mang của người dân về xe không chính chủ, CSGT cho biết suy nghĩ đi xe chính chủ là chỉ được đi xe đúng tên của mình là không chính xác. Nghị định 100 quy định, công an chỉ xử phạt lỗi không sang tên trong trường hợp: thông qua điều tra, giải quyết tai nạn giao thông và qua công tác đăng ký xe.

Người dân vẫn có thể chạy xe của người nhà (vợ đi xe của chồng, con đi xe của cha mẹ…), mượn của người quen,… Khi CSGT kiểm tra, yêu cầu xuất trình giấy tờ thì xuất trình: giấy đăng ký xe, bằng lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ô tô) thì sẽ không bị xử phạt.

Từ 15/8, xe không chính chủ thì biển số định danh sẽ thuộc sở hữu của ai? - ảnh 3

Khi chạy xe không chính chủ và bị CSGT yêu cầu kiểm tra, cần cung cấp đủ các giấy tờ pháp lý

Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news

Cùng chuyên mục