Mặc dù có đến 3.600 con đường nhưng đường phố của TP.HCM được đặt tên theo một quy tắc chung mà nếu không chú ý, nhiều người sẽ khó phát hiện.
TP.HCM là một trong hai trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại lớn nhất cả nước. Tuy diện tích không lớn nhưng TP.HCM lại có dân số và mạng lưới cơ sở hạ tầng, giao thông dày đặc. Những con đường mới không ngừng được tách ra nhưng vẫn không thể giải quyết hết vấn đề ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm của TP.HCM.
Đường phố ở TP.HCM được ví như mạng nhện bởi số lượng quá nhiều và dày đặc, chồng chéo lên nhau. Nhiều người ở các nơi khác khi mới đến TP.HCM không khỏi choáng ngợp bởi hệ thống đường sá ngoằn ngoèo, không sao nhớ hết. Theo thống kê của cơ quan chức năng, TP.HCM có khoảng 3.600 con đường với quận Tân Bình được cho là nhiều đường nhất - khoảng 150 con đường. Những nơi khác sẽ dao động từ 80-120 con đường. Với số lượng như vậy, không có gì khó hiểu khi đường sá của nơi này lúc nào cũng đan xen với nhau.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, tuy đường sá ở TP.HCM rất nhiều nhưng nó được chia thành từng cụm được đặt tên gắn liền với lịch sử, văn hóa và tên các danh nhân nổi tiếng tại Việt Nam. Ví dụ như tại khúc đường giáp ranh giữa Quận 1, Quận 3, những con đường sẽ được đặt tên theo cụm "văn thơ" với tên đường hầu hết đều là các thi nhân như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan...
Ở đoạn đường Quận 4 sẽ được đặt tên theo cụm "tướng lĩnh" như đường Đinh Lễ, Lê Thạch, Lê Quốc Hưng, Lê Văn Linh...
Những vị tướng nhà Trần sẽ được chọn đặt tên cho đoạn đường ở khúc gần Tân Định như đường Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Đặng Dung, Đặng Tất, Trần Khát Chân...
Cụm "Liệt sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng" sẽ được chọn để đặt tên cho những con đường cạnh nhau tại Quận 1 như đường Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Cô Giang, Cô Bắc, Phó Đức Chính...
Cụm "Gia Định tam gia" được đặt tên cho các con đường ở Quận 5 và Bình Thạnh như đường Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh...
Ngoài ra, 2 con đường nhỏ dọc theo Đại lộ Thống Nhất được đặt tên là Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes. Đây đều là tên của 2 người đóng góp vào việc nghiên cứu ngôn ngữ tại Việt Nam. Trong khi Hàn Thuyên là người sáng tạo ra chữ Nôm thì ông Alexandre de Rhodes là người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ ngày nay.
Ở cửa Đông và cửa Tây của chợ Bến Thành có 2 con đường song song với nhau là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Cả 2 đều là người khởi xướng phong trào Đông Du. Trong khi đó, những con đường cửa ngõ vào TP.HCM theo hướng ở Bến xe Miền Tây được đặt tên theo triều đại, vua chúa gắn liền với từng mốc lịch sử của Việt Nam như Hồng Bàng, Hùng Vương, An Dương Vương, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Lý Thượng Kiệt, Triệu Quang Phục, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền...
Tại những nơi gần bến sông sẽ có tên đường là tên các trận chiến vang danh của Việt Nam như Vạn Kiếp, Hàm Tử, Chương Dương, Bạch Đằng...