Áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Quảng Trị - Quảng Nam đã mạnh lên thành bão số 5 và được chuyên gia dự báo có diễn biến rất phức tạp.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, sáng nay (17/10), vùng áp thấp trên vùng biển phía Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Đến trưa nay (18/10), áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Quảng Trị - Quảng Nam đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 5.
Đến chiều nay 16h ngày 18/10, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 5 mạnh cấp 8 (62-74km /giờ), giật cấp 10. Di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/h.
Dự báo cơn bão sẽ gây nên nhiều tác động. Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh. Ở khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm Cô Tô, Bạch Long Vĩ) từ đêm 18/10 có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.
Từ gần sáng ngày 20/10, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh đến Thái Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8. Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam sóng biển cao 2,0-4,0m, vùng biển Vịnh Bắc Bộ (bao gồm Cô Tô, Bạch Long Vĩ) từ gần sáng và ngày 19/10 sóng biển tăng cao 2,0-4,0m, sau tăng lên 3,0-5,0m.
Từ chiều tối ngày 18/10 đến sáng 19/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Từ đêm 19/10 đến đêm 21/10, ở vùng ven biển, khu vực Nam Đồng Bằng, khu vực Đông Bắc của Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Toàn bộ tàu thuyền, khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy sản, đê kè biển trên khu vực này đều chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.
Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng đã có Công điện số 16/CĐ-QG gửi các các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định đề nghị chủ động ứng phó với bão số 5 và mưa lớn. Để chủ động ứng phó với bão và mưa lớn, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành thực hiện các nội dung: Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công dở dang. Triển khai các biện pháp tiêu úng, phòng chống ngập lụt khu vực đô thị, khu công nghiệp, kiểm tra, rà soát, vận hành đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra...