Mới đây, thông tin về loại gạo được cho là giúp phòng tránh được bệnh tiểu đường đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Theo đó, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Trung tâm Nghiên cứu CGIAR mới đây đã tìm ra các gene giúp làm tối thiểu chỉ số đường huyết (CSĐH ) của lúa gạo. Thông tin này được công bố trong Đại hội Lúa gạo thế giới 2023 đã diễn ra tại Manila, Philippines và sẽ kéo dài đến ngày 19/10.
Phát hiện khoa học này mang tính đột phá, giúp chuyển đổi các giống lúa thông thường thành giống có CSĐH thấp và vẫn đảm bảo năng suất cũng như chất lượng hạt gạo. Được biết IRRI phân loại mức CSĐH dưới 45 là cực thấp, 46-55 là thấp, 56-69 là trung bình và cao là 70 trở lên. Dòng lúa cực thấp được phát hiện mới nhất có CSĐH 44.
Bệnh tiểu đường vốn là căn bệnh phổ biến và đang gia tăng trên toàn cầu. Theo Liên đoàn Tiểu đường quốc tế, có 537 triệu người mắc bệnh tiểu đường vào năm 2021 và con số này dự kiến sẽ tăng 47% vào năm 2047. Nhiều giống lúa trồng hiện nay tuy có chất lượng tốt, nhưng chỉ số CSĐH dao động từ 70 - 92, không tốt cho sức khỏe của người mắc bệnh tiểu đường.
Năm 2019, IRRI đã tìm thấy các dấu hiệu đặc chủng giống lúa, có ý nghĩa rất lớn để phân biệt CSĐH trung bình và CSĐH cao. Đây chính là bước đột phá trong khoa học nhằm phát triển các giống lúa năng suất cao, CSĐH thấp: “Với nghiên cứu này, chúng tôi nỗ lực đảm bảo sức khỏe người sử dụng. Chúng tôi mong muốn hợp tác với các quốc gia để đẩy nhanh việc khai thác các giống lúa CSĐH thấp và cực thấp”, Tổng giám đốc IRRI Ajay Kohli nói.
Cơm và các loại thức ăn chứa carbohydrate (tinh bột và đường) có thể gây tăng đường huyết sau khi ăn, đặc biệt đối với người có nguy cơ bị tiểu đường hoặc đã mắc bệnh tiểu đường. Điều này xảy ra do carbohydrate trong thức ăn được chuyển hóa thành đường trong máu, dẫn đến tăng đường huyết.
Người có tiền sử gia đình về tiểu đường hoặc người có nguy cơ tiểu đường nên chú ý đến việc kiểm soát lượng carbohydrate trong khẩu phần hàng ngày của họ. Điều này có thể bao gồm việc chọn loại cơm có chỉ số đường huyết thấp (như cơm lứt hoặc cơm nguyên hạt), kiểm soát kích thước khẩu phần và duy trì một chế độ ăn uống cân đối với rau củ và các nguồn protein lành mạnh.