Ông đã phát minh ra máy ATM, giúp nó phổ biến trên toàn thế giới. Thành công ở xứ người là vậy nhưng ông vẫn lựa chọn quay về Việt Nam và trở thành cố vấn cấp cao cho nhiều ngân hàng ở nước nhà.
Theo đó, hiện nay, người sáng chế ra máy ATM trên thế giới vẫn khiến nhiều người tranh cãi. Nếu như Luther George Simjian là người đầu tiên thiết kế cũng như hoàn thành máy rút tiền đầu tiên trên thế giới vào năm 1939 tại New York, John Shephrd-Barron là người cho ra đời máy rút tiền điện tử đầu tiên vào năm 1967 ở Anh thì ông Đỗ Đức Cường lại chính là người đã hoàn thiện cơ bản cấu trúc cốt lõi đồng thời mở rộng hệ thống ATM ra thị trường như hiện nay. Đây chính là một bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng của nhân loại.
Phát minh này được ông thực hiện khi đang công tác tại ngân hàng Citibank (Mỹ). Trước đó, cuộc cách mạng ATM cũng đã bắt đầu bùng nổ vào khoảng những năm 1960. Các ngân hàng đều cố gắng làm việc, tìm ra giải pháp để khách hàng có thể rút tiền mặt sau giờ làm việc mà không cần phải ra chi nhánh. Khi đó, những chiếc máy ATM đầu tiên đã được ra đời. Tuy nhiên, trong thời kỳ đó, máy ATM chưa phổ biến, được nhiều người biết.
Sau này, khi mà nhu cầu rút tiền mặt tăng cao, các máy ATM bắt buộc phải có nhiều cải tiến hơn. Trong suốt cuộc hành trình “thay da đổi thịt” này, nhiều cái tên đã góp phần làm nên thành công cho thế hệ máy ATM như ngày nay, hàng loạt các bằng phát minh sáng chế đã được ghi nhận. Một trong số đó chính là tiến sĩ gốc Việt Đỗ Đức Cường. Ông cùng với nhóm 3 tác giả khác được Văn phòng Bằng sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ cấp bằng sáng chế số D386883, năm 1997 liên quan đến việc cải tiến thiết kế ATM.
Chính những cải tiến của ông Đỗ Đức Cường và nhóm của mình đã góp phần quan trọng giúp cho máy ATM trở nên phổ biến trên toàn thế giới như ngày nay.
Được biết, tiến sĩ Đỗ Đức Cường sinh ra và lớn lên ở Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ông có tuổi thơ nghèo khó, cơ cực. Các anh chị em đều lần lượt qua đời vì cái đói. Năm lên 6 tuổi, ông cũng đã 1 lần chết hụt. Sau này, ông luôn tự nhủ với mình rằng phải cố gắng làm giàu.
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Sài Gòn, ông tiếp tục học ngành Kỹ sư cơ khí ở Trường Đại học Phú Thọ. Năm 1963, trong chuyến thăm và làm việc của một phái đoàn Nhật tại Việt Nam, ông đạt điểm số cao và được cấp học bổng sang Nhật du học.
Trong thời gian ở Nhật, ông vừa đi học vừa làm thêm cho công ty Toshiba. Sau đó, 1 cơ duyên tình cờ đã khiến ông gặp gỡ với Giám đốc ngân hàng Citibank (Mỹ). Vị giám đốc này mời ông về làm việc.
Tháng 6/2003, sau hơn 30 năm làm việc ở nước ngoài, ông Đỗ Đức Cường về nước và trở thành cố vấn cấp cao cho nhiều ngân hàng lớn ở Việt Nam. Có thể kể đến đó là: ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Sài Gòn Công thương, Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL,Taxi Mai Linh, Bảo hiểm Bảo Việt... và một số tổ chức khác.