Tổng Cục Thống kê đã chỉ ra một số biến đổi của tình hình lao động, việc làm ở nước ta vào quý 2/2023, đặc biệt là thu nhập bình quân của người Việt mỗi tháng.
Vừa qua, Tổng Cục Thống kê đã có những báo cáo mới về tình hình lao động, việc làm quý 2/2023 của Việt Nam. Theo đánh giá, xu hướng việc làm đang có dấu hiệu tăng, nhưng thị trường lao động vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt đến từ việc doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất.
Chi tiết cho thấy, lực lượng lao động trên 15 tuổi của nước ta trong quý 2/2023 vào khoảng 52,3 triệu người, tăng hơn 100 nghìn người so với quý trước và 700 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói hơn, ở khu vực thành thị và nông thôn, lực lượng lao động đều có dấu hiệu tăng nhẹ (tương ứng lần lượt là 88 nghìn người và 19 nghìn người).
Sau khoảng thời gian tốc độ biến đổi của lực lượng lao động dần giảm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, thì đến năm 2023, con số này cũng không thể khả quan hơn khi tiếp tục với chiều hướng đi xuống và duy trì ở mức 0,2%. Đồng thời, tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ, đã qua đào tạo nghề quý 2/2023 là 26,8%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể hơn, số lao động có việc làm vào quý 2/2023 tăng 691,4 nghìn người, còn tỷ lệ thất nghiệp rơi vào khoảng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong quý 2, tỷ lệ thiếu việc làm cao nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (3,01%) và thấp nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (1,03%).
Qua đó, thu nhập bình quân tháng của người lao động ở quý 2/2023 là 7 triệu đồng, giảm khoảng 79.000 đồng so với quý 1/2023 và tăng 355.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, lao động nam có thu nhập bình quân tháng cao gấp 1,37 lần lao động nữ (8 triệu đồng so với 5,8 triệu đồng). Thu nhập bình quân tháng của lao động thành thị cũng cao gấp 1,4 lần khu vực nông thôn (8,5 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng).
Lý giải cho việc thu nhập bình quân trong quý 2 giảm hơn đôi chút so với quý 1 là vì các khoản thưởng, tiền tăng ca cuối năm, dịp Tết được chi trả cho người lao động trong quý 1 hằng năm. Dễ dàng nhận thấy, hiện đời sống của người lao động trong quý 2 có sự cải thiện nhưng với tốc độ khá chậm nếu so sánh với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, Đông Nam Bộ được đánh giá là vùng cải thiện chậm nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội của nước ta. Thu nhập bình quân của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ ở quý 2/2023 là 8,6 triệu đồng, chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ 2022. Trong khi đó, thu nhập bình quân của lao động ở Đồng bằng sông Hồng là 8,1 triệu đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời điểm này cũng là lúc chứng kiến lực lượng lao động tại một số địa phương như Thái Bình, Ninh Bình có tốc độ tăng thu nhập khá, lần lượt là 10,5% và 6,2%. Một số địa phương khác như Bắc Ninh, Hải Dương tập trung nhiều khu công nghiệp lại phải đối mặt với sự sụt giảm thu nhập bình quân: 8,1 triệu đồng và 7,2 triệu đồng trên một tháng.
Theo Tổng Cục Thống Kê, quý 2/2023, thu nhập bình quân của người lao động tại khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 4,1 triệu đồng, còn lao động tại khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân là 8,2 triệu đồng. Ngoài ra, ở khu vực công nghiệp và xây dựng, mức thu nhập bình quân rơi vào 7,8 triệu đồng/tháng/người.
Ảnh: Tổng hợp