Sự cố cúp điện sẽ làm ảnh hưởng và làm trì hoãn công việc cho người lao động và các doanh nghiệp sử dụng người lao động. Trong thời gian cúp điện người lao động vẫn được trả lương những trường hợp sau.
Với tình hình khí hậu ngày càng nắng như đổ lửa, việc sử dụng điện ngày càng đặc biệt tăng cao. Sự cố cúp điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngoài việc chuẩn bị những phương án dự trữ điện, người lao động cũng rất băn khoăn vì trì hoãn công việc trong sự cố mất điện có được thỏa thuận và tính lương cho người lao động.
Căn cứ Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống: người lao động sẽ được hưởng tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc: tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Mức lương tối thiểu hiện hành theo Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP:
- Vùng I là 22.500 đồng/giờ
- Vùng II là 20.000 đồng/giờ
- Vùng III là 17.500 đồng/giờ
- Vùng IV là 15.600 đồng/giờ
Như vậy, thời gian cúp điện người lao động vẫn được tính vào lương. Tuy nhiên mức lương tại thời điểm này sẽ do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận và không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Ảnh: Sưu tầm