Câu chuyện xảy ra tại một trường tiểu học và cuộc đối thoại giữa cô giáo với một người phụ huynh khiến cộng đồng mạng có nhiều suy ngẫm.
Giáo dục một đứa trẻ không phải là chuyện đơn giản, nhất là ở môi trường gia đình và trường học. Nhiều người tin rằng, để có thể dạy dỗ một đứa trẻ nên người thì ở giai đoạn đầu tiên trong quá trình trưởng thành, cần phải có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc định hình đạo đức, quan điểm tích cực cho trẻ.
Mới đây, một câu chuyện được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội xứ Trung về việc giáo dục trẻ nhỏ thu hút sự quan tâm lớn. Cụ thể, một người cô giáo tên cô Vương dạy ở trường tiểu học tại Vân Nam (Trung Quốc) có thói quen đi xe đạp đến trường mỗi ngày. Cô Vương chia sẻ việc đi xe đạp chỉ đơn giản vì cô thấy phương tiện này ít gây tắc đường, tiện dụng, bảo vệ môi trường và giúp rèn luyện sức khỏe.
Tuy nhiên, cô không ngờ đây lại chính là nguồn cơn cho mọi vấn đề. Một ngày, cô Vương như thường lệ đạp xe đến trường. Khi xe vừa tới trước cổng trường thì cô gặp được một phụ huynh đưa con đến trường bằng chiếc xe ô tô sang chảnh. Cả hai vui vẻ chào hỏi lẫn nhau, sau đó em học sinh vào lớp còn người phụ huynh kia thì ra về.
Khi đến lớp, cô Vương bất ngờ nhận được tin nhắn của người phụ huynh gửi trong hộp thư cả lớp. Người này thẳng thắn nói cô Vương: "Cô đừng đạp xe đi dạy nữa. Tốt hơn hết là cô nên mua một chiếc ô tô đi".
Ban đầu, cô Vương nghĩ người phụ huynh này có lòng tốt, sợ cô đạp xe vất vả nên lo lắng cho cô. Vì thế cô giải thích do bản thân mình thích đi xe đạp, nếu trời mưa, cô có thể gửi xe ở trường rồi đi bộ về nhà cũng không cần lo sợ.
Thế nhưng sau khi cô trả lời như thế thì người phụ huynh kia bày tỏ sự tức giận. Người đó nói rõ lý do: "Con trai tôi từ nhỏ đã đi xe BMW. Những người xung quanh tôi đều có xe hơi sang trọng đưa đón. Cô là giáo viên của con tôi nhưng cô lại đạp xe đạp đi dạy. Vậy theo cô, con tôi sẽ có suy nghĩ thế nào?"
Cô Vương hoang mang, không biết mục đích của vị phụ huynh này là gì. Ngay lập tức, người này đáp:
"Mỗi ngày tôi đều dạy con phải chăm chỉ học hành, sau này thành tài có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng con tôi lại thấy cô giáo của mình đạp xe đi làm, con tôi nghĩ thế nào đây? Nó chắc chắn sẽ cho rằng một giáo viên thì không kiếm được nhiều tiền, vậy nên dù có học tập thì cũng vô ích. Cô đi làm cả nửa đời người nhưng mức sống lại thấp hơn cả con của tôi. Bản thân con tôi từ khi sinh ra đã có thể ngồi xe BMW rồi. Tôi nghĩ nếu tương lai nó không chú tâm học hành thì tất cả là lỗi của cô".
Cô Vương lúc này mới hoàn toàn hiểu ra suy nghĩ của người mẹ. Bản thân cô cảm thấy tuy cách nhận định của người mẹ hơi cực đoan nhưng vẫn có thể thấu cảm. Mặc dù vậy, những người phụ huynh khác lại thể hiện sự tức giận trước lời cáo buộc của vị phụ huynh kia. Họ cho rằng nếu người này giàu như thế thì hãy mua cho cô giáo một chiếc xe, vậy là vẹn cả đôi đường!
Càng nhiều phụ huynh đứng về phía cô giáo vì không chịu nổi thái độ kiêu căng của người mẹ kia. Thậm chí, họ chỉ trích người phụ huynh ấy đã quá xem trọng vật chất mà có hành động vô lý. Hơn nữa, việc tương lai con trẻ có thành tựu hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không thể quy hết trách nhiệm cho cô giáo tiểu học.
Ảnh: Tổng hợp