Bão Yagi đã thiết lập nhiều kỷ lục mới: tăng cấp độ nhanh nhất, trở thành siêu bão mạnh nhất năm 2024 và lọt vào top 3 siêu bão đạt cấp 16 trở lên khi hoạt động trên Biển Đông.
Theo cập nhật mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào lúc 23h ngày 5/9, tâm siêu bão Yagi đang ở vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão đạt cấp 16 (184-201km/h), với gió giật trên cấp 17.
Trong 3 giờ tới, siêu bão Yagi di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15-20km/h.
Theo cơ quan khí tượng, Yagi là siêu bão mạnh nhất năm 2024 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương tính đến thời điểm hiện tại. Bão đã tăng cấp độ nhanh nhất từ trước đến nay trong lịch sử khí tượng Việt Nam (48 tiếng tăng 8 cấp). Đây là lần thứ ba trong lịch sử cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 4 (màu đỏ) được ban hành, và cũng là lần đầu tiên cấp độ 4 được sử dụng ở vịnh Bắc Bộ.
Yagi cũng nằm trong top 3 siêu bão đạt cấp 16 trở lên khi hoạt động trên Biển Đông.
Giá trị khí áp tại tâm bão đã giảm xuống thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ qua theo lịch sử quan trắc bão của khí tượng Việt Nam. Có thể thấy, đến thời điểm này, bão Yagi đã đạt trạng thái mạnh nhất của một cơn bão nhiệt đới.
Hiện tại, bão tiếp tục di chuyển về phía vịnh Bắc Bộ với cường độ hầu như ít thay đổi. Tuy nhiên, khi vượt qua đảo Hải Nam, cường độ bão có sự suy yếu đáng kể từ cấp 15-16, gió giật cấp 18-19 giảm còn cấp 13-14, gió giật cấp 16. Bão sẽ tiếp tục suy yếu khi đi sâu vào vịnh Bắc Bộ và hướng về đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định.
Đây là một cơn bão mạnh với hoàn lưu bão rộng. Cơ quan khí tượng lưu ý người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, lốc và gió giật mạnh cả trước và trong khi bão đổ bộ.
Tác động của bão từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 7/9; Tây Bắc Bộ từ tối 7/9 đến đêm 8/9). Mưa lớn có thể gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, và sạt lở đất trên sườn dốc.