Trào lưu kết hôn hai ngả có thể tạo điều kiện cho cô dâu và chú rể tự túc về kinh tế, giảm gánh nặng gia đình cũng như chi phí kết hôn.
Khái niệm "kết hôn hai ngả" là một định nghĩa mới trong cộng đồng giới trẻ tại Trung Quốc. Khác với hôn nhân bình thường, các cặp đôi sẽ trải qua quá trình yêu đương, đăng ký kết hôn rồi tổ chức đám cưới. Sau đó họ sinh con và nuôi dưỡng con cái trong một mái nhà tạo thành gia đình hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, kết hôn hai ngả lại có nhiều đổi khác so với hôn nhân truyền thống. Sau khi đăng ký kết hôn, cô dâu và chú rể sẽ quay lại gia đình của mình sinh sống, không tổ chức đám cưới linh đình, càng không có những thủ tục hồi môn, cưới hỏi như thông thường.
Đặc biệt nhất, sau khi có con, hai vợ chồng sẽ chia con ra và tự nuôi. Mô hình kết hôn hai ngả thường thấy nhất là con đầu tiên sẽ do nhà trai chăm sóc, lấy họ bố, đến con thứ hai sẽ do nhà gái nuôi nấng, lấy họ mẹ. Trong những gia đình này không tồn tại khái niệm nội, ngoại mà những đứa cháu sẽ gọi người sinh ra bố/mẹ mình là ông, bà nội.
Nguồn gốc của kết hôn hai ngả bắt đầu từ những vùng nông thôn nghèo, kém phát triển ở tỉnh Giang Tô, Chiết Giang.
Một trong những nguyên nhân khiến kết hôn hai ngả trở nên "bùng nổ" và đang trở thành trào lưu gây sốt trong giới trẻ Trung Quốc chính là việc nó mang lại lợi ích đôi bên. Trên thực tế, hầu hết tất cả những cô gái ở đất nước tỉ dân đều có cùng nỗi sợ khi phải sống chung với mẹ chồng nếu kết hôn.
Nếu kết hôn hai ngả, cô gái vẫn có thể sống cùng gia đình ruột của mình mà không cần lo sợ va chạm mẹ chồng - nàng dâu. Ngoài ra, việc kết hôn hai ngả có thể giúp nhà trai giảm áp lực kinh tế. Chú rể không cần vướng cảnh nợ nần để cưới vợ. Ngoài ra cô dâu cũng không phải trả của hồi môn.
Trước đó, theo thống kê, chi phí tổ chức hôn lễ của Trung Quốc dao động từ 10.000 nhân dân tệ đến 1,8 triệu nhân dân tệ. Trong đó, chi phí tổ chức trung bình là 226.500 nhân dân tệ, cao gấp khoảng 10 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người ở những khu vực nông thôn.
Ngoài ra, việc người trẻ ngày càng nâng cao nhận thức về sự độc lập của phụ nữ đã góp phần đẩy làn sóng kết hôn hai ngả gia tăng. Nhiều người phụ nữ có khả năng tự kiếm công việc, tự có thu nhập, tự nuôi sống bản thân, thậm chí còn tự đầu tư bất động sản và có cuộc sống sung túc mà không cần phải chờ chồng phụ cấp, nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, điều này sẽ tạo nên nhiều hệ lụy về sau. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc vợ chồng sống xa cách lâu ngày sẽ khiến tình cảm sứt mẻ. Đặc biệt, việc nuôi con ở hai gia đình có hoàn cảnh khác nhau sẽ tạo khoảng cách cho các đôi anh chị em này. Nếu không bồi dưỡng sống chung, những đứa trẻ sẽ không có cảm giác ruột thịt.
Ảnh: Tổng hợp