Nước mía là thức uống vừa thanh nhiệt, giải khát ngày hè. Chính vì vậy nhiều người chọn nước mía uống mỗi ngày. Tuy nhiên chuyên gia sức khỏe lại cảnh báo nguy cơ.
Từ lâu, nước mía đã trở thành thức uống không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam. Nước mía vừa có giá thành rẻ, bày bán khắp các hè phố, nước ngọt nhẹ, thanh mát, kết hợp cùng cam hoặc tắc sẽ càng tăng thêm hương vị. Vì lý do này mà nhiều người ưa chuộng và xem nước mía như thức uống giải khát mùa hè, trong ngày nắng nóng.
Thực tế, nước mía được chiết xuất từ cây mía tươi, cung cấp các khoáng chất như phốt pho, kali, canxi, sắt và magie, ngoài ra, trong nước mía còn có vitamin A, vitamin B phức hợp, vitamin C và vitamin E. Người ta ước tính trung bình mỗi 100 ml nước mía sẽ có 39 calo và 9 gam carbonhydrate.
Nước mía được xem là "thần dược" giúp tăng lực nhanh chóng trong khoảng thời gian ngắn, nhất là khi nắng nóng. Nguyên nhân do trong nước mía chứa nhiều loại đường đơn giúp cơ thể hấp thu dễ dàng. Người có thói quen uống nước mía sẽ hạn chế được các bệnh về gan như vàng da tự nhiên.
Không những thế, nước mía chứa nhiều canxi, magie, kali, sắt và mangan nên có tính kiềm, thêm flavonoid giúp ngăn chặn tế bào ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú. Ngoài ra, nước mía giúp ngăn ngừa nhiễm trùng dạ dày, khắc phục tình trạng hơi thở có mùi do sự thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Tuy nhiên, việc uống nước mía mỗi ngày lại bị các chuyên gia phản đối. Họ cho rằng đây là điều tối kỵ đối với người già, trẻ em dưới 4 tuổi, người thừa cân béo phì và nhất là người bị bệnh tiểu đường.
Đặc biệt, một cốc nước mía có chứa rất nhiều đường, nếu uống vào trong cơ thể lâu ngày sẽ gây tình trạng nóng người. Khi chúng ta đi nắng về, nước mía có công dụng giải khát tức thì nhưng sau đó cơ thể lại nóng rực.
"Một người bình thường chỉ nên uống không quá 330 ml nước mía mỗi ngày. Không uống sát bữa ăn vì mía chứa nhiều đường khiến bữa ăn mất ngon hoặc gây cảm giác ngán đồ ăn. Người có bệnh tiểu đường càng không nên lạm dụng nước mía", TS. Từ Ngữ cho biết.
Theo các chuyên gia về đông y, người uống nước mía nhiều không chỉ bị tăng cân, còn dễ gây tiêu chảy. Những người có tiền sử thừa cân và mắc bệnh tiểu đường càng tuyệt đối phải tránh loại nước uống này, nếu không nó sẽ trở thành "chất độc" đối với cơ thể của người bệnh, khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng.
Một số người tiêu hóa kém, bụng thường đầy hơi khó tiêu thì cũng không nên uống nước mía thường xuyên vì nước mía có tính hàn và lượng đường cao, dễ khiến tình trạng đầy bụng gia tăng.
Đặc biệt, nước mía nên uống ngay sau khi vừa ép xong, tránh để qua đêm sẽ khiến nhiều dưỡng chất trong nước mía bị biến chất.
Ảnh: Tổng hợp