Dưới đây là những tỉnh đã chính thức triển khai việc rà soát và hạn chế tối đa việc dạy ở môi trường học đường.
Theo VTC News, Sở GD&ĐT Thanh Hóa mới đây đã đưa ra yêu cầu các sơ sở giáo dục công lập trên địa bàn không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; không tổ chức theo lớp học chính khoá . Cụ thể, mức thu tối đa chỉ được khoảng 12.000 đồng/học sinh/tiết học (mỗi tuần không quá 3 tiết học) đối với hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khoá .
Riêng đối với bộ môn tiếng Anh - một môn học còn khá hạn chế ở một số địa phương thì đối với trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học chỉ được thu mức tối đa là 12.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người Việt Nam; 30.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người nước ngoài.
Một địa phương khác là An Giang cũng đã có động thái tương tự. Cụ thể, Sở GD&ĐT An Giang cũng yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi giữ và chăm sóc học sinh.
Trước đó, vấn đề xuất hiện yêu cầu hạn chế, thậm chí ngừng hẳn việc dạy thêm đã trở thành chủ đề nóng trong lĩnh vực giáo dục. Phú Thọ là một trong những địa phương đầu tiên ban hành công văn chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm, trong đó nhấn mạnh vào trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức.
Cùng với đó, Nam Định cũng là tỉnh quyết liệt yêu cầu các trường, giáo viên trên địa bàn không tổ chức dạy thêm, trái quy định. Trong đó, nêu rõ trường hợp không dạy thêm: học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp như: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, dạy tiếng Anh.
Trước đó, liên quan đến vấn đề học và dạy thêm này Bộ GD&ĐT và các địa phương cũng đã nhiều lần yêu cầu các giáo viên không được dạy chính học sinh của mình nhưng gần như nhiều thầy cô vẫn bất chấp quy định để tổ chức dạy thêm.
Việc dạy thêm cho học sinh cũng được cho là không phải phương án khả quan để các em tiến bộ mà còn có nguy cơ khiến học sinh áp lực hơn: “Tuy nhiên, nếu giáo viên có trách nhiệm, dạy hết nội dung chương trình ở trên lớp thì học sinh không cần phải học thêm chỉ tội các em thêm áp lực, căng thẳng sau khi đã học cả ngày ở trường, nhồi nhét thêm 1 - 2 tiếng chẳng giúp các em học khá hơn. Phần học thêm chẳng qua giúp các em rèn luyện thêm các kỹ năng, trừ những em học yếu mới cần phụ đạo”, cô Lê Khánh Phương - giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội chia sẻ với VTC News.