Những hiểu lầm về luật sẽ khiến bạn dễ gặp vi phạm với đèn giao thông khi điều khiển phương tiện giao thông trên đường. Hãy tìm hiểu ngay để tránh vi phạm nhé!
Tín hiệu đèn đỏ tại ngã 3 có được phép đi thẳng?
Theo quy định tại khoản 3, Điều 10 của Luật giao thông đường bộ, tín hiệu đỏ có ý nghĩa là cấm đi. Do đó, khi người tham gia giao thông gặp đèn đỏ, họ không được phép đi thẳng. Trừ trường hợp có đèn tín hiệu hoặc biển báo tại những vị trí cho phép đi thẳng thì người điều khiển mới được đi thẳng.
Trong trường hợp không có đèn tín hiệu hoặc biển báo cho phép đi thẳng, nhưng người tham gia giao thông vẫn đi thẳng khi đèn đỏ thì họ sẽ bị xử phạt vì vi phạm không tuân thủ hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Người tham gia phương tiện cần tuân thủ quy định biển báo giao thông
Có được rẽ phải khi đèn đỏ không?
Theo khoản 3 Điều 10 của Luật Giao thông đường bộ 2008, tín hiệu đỏ có nghĩa là cấm đi. Tuy nhiên, trường hợp có đèn tín hiệu hoặc biển báo cho phép, thì người tham gia giao thông được phép rẽ phải khi đèn tín hiệu đỏ xảy ra trong hai trường hợp sau:
Đèn tín hiệu màu xanh được lắp đặt kèm theo báo hiệu ưu tiên rẽ. Đèn này thường là một đèn phụ có hình mũi tên màu xanh được lắp phía dưới cột đèn giao thông.
Khi có biển báo giao thông, thường là biển phụ được đặt dưới cột đèn giao thông, cho phép các xe được rẽ khi đèn đỏ.
Nếu vi phạm lỗi rẽ phải khi đèn đỏ, người vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Người tham gia giao thông chỉ được phép rẽ phải khi đèn đỏ trong trường hợp có biển báo cho phép
Có được phép đi khi đèn vàng?
Tín hiệu vàng yêu cầu người tham gia giao thông phải dừng lại trước vạch dừng vì đèn đỏ sắp đến, trừ khi đã đi quá vạch dừng thì được tiếp tục đi. Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy, người tham gia giao thông được phép đi tiếp nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát và nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Người vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt vì không tuân thủ hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông.
Biển báo đèn vàng cũng có nhiều trường hợp khác nhau
Vượt đèn đỏ, đèn vàng sẽ bị phạt bao nhiêu?
Chi tiết về mức phạt khi vi phạm vượt đèn đỏ và đèn vàng đã được quy định trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (bao gồm cả xe máy điện): Sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng (theo Điểm e, khoản 4 và Điểm b, Khoản 10 Điều 6).
Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; từ 02 đến 04 tháng nếu gây ra tai nạn giao thông (theo Điểm a, Khoản 5, Điểm b, c Khoản 11 Điều 5).
Đối với máy kéo và xe máy chuyên dùng: Sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng; từ 02 đến 04 tháng nếu gây ra tai nạn (theo Điểm đ Khoản 5; Điểm a, b Khoản 10 Điều 7).
Vượt đèn đỏ gây tai nạn sẽ bị xử lý thế nào?
Theo Điều 260 của Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:
“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. .....”
Tóm lại, Hành vi vượt đèn đỏ là hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ và sẽ bị xử lý hình sự khi thuộc vào các trường hợp trên.
Việc tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định pháp luật giao thông đường bộ về đèn tín hiệu không chỉ đảm bảo an toàn và trật tự giao thông, mà còn tạo lòng tin, giảm xung đột, tiết kiệm thời gian, hạn chế tai nạn, thúc đẩy ý thức và trách nhiệm cuar công dân.