24h
Yeah1 News

Nguồn gốc, ý nghĩa Đại lễ Phật đản: Vì sao trong Đại lễ các chùa tổ chức lễ tắm Phật?

Thứ năm, 25/05/2023 | 11:39 (GMT+7)

Đại lễ Phật đản hay Lễ Phật đản sinh là ngày kỷ niệm ngày sinh của Đức phật, Giáo chủ của đạo Phật. Đây cũng là dịp để tôn vinh Đức phật và ôn lại cuộc đời cùng những lời dạy của Ngài.

Đại lễ Phật đản hay là kỷ niệm ngày ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào năm 623 trước Công nguyên. Năm 80 tuổi, Ngài viên tịch, được bắt đầu tính là năm Phật lịch. Do đó, Phật lịch năm nay là 2567, còn đại lễ Phật đản 2647.

Nguồn gốc Đại lễ Phật đản

Theo lịch sử  Phật giáo, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc nhỏ có tên là Thái tử Tất Đạt Đa, được sinh ra tại vườn Lâm Tì Ni vào ngày trăng tròn tháng Vesak (tháng tâm linh theo quan niệm của người Ấn Độ cổ), năm 623 trước Công nguyên.

Nguồn gốc Đại lễ Phật Đản (Ảnh: Internet)
Nguồn gốc Đại lễ Phật Đản (Ảnh: Internet)

Từ trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào ngày mùng 8 tháng 4 Âm lịch vì do ảnh hưởng của Phật giáo Trung hoa, ngày Đức Phật đản sinh theo lịch cổ của Ấn Độ chuyển sang lịch Trung Hoa là ngày mùng 8 tháng 4 Âm lịch.

Song từ Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên diễn ra ở Colombo, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia  đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày Rằm tháng Tư âm lịch. Từ đó các nước có theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền đã kỷ niệm ngày Phật đản vào ngày 15 tháng 4 âm lịch hàng năm. 

Những ngôi chùa cùng với tiếng chuông, lời dạy của Đức Phật đã trở thành một bộ phận của văn hóa Việt Nam. Và Đại lễ Phật đản trở thành một lễ hội lớn của những người theo đạo Phật nói riêng và những người mến mộ đạo Phật cũng như cộng đồng.

Ý nghĩa Đại lễ Phật Đản

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một con người lịch sử, được sinh ra trong một gia đình hoàng tộc. Tuy nhiên, Ngài đã từ bỏ tất cả để dấn thân chứng nghiệm, khám phá bốn sự thật của cuộc đời, đó là: khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và phương pháp để chấm dứt sự khổ (Tứ diệu đế), giảng dạy về phương pháp cho con người có được hạnh phúc tương đối và đạt được hạnh phúc thực sự - nếu có ý chí, ngay trong cuộc đời này, được soi sáng bởi trí tuệ nhờ có chánh niệm, thực hành thiền định.

Những lời dạy của Ngài vượt lên sự ràng buộc của các giáo điều thông thường, vượt thời gian, trở thành lối sống cho những ai muốn có được hạnh phúc thực sự cho bản thân, cộng đồng.

Đại lễ Phật Đản là dịp tổ chức không chỉ để tôn vinh Đức Phật, mà hơn thế nữa, là cơ hội để ôn lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên phương diện một con người lịch sử, cùng những lời dạy của Ngài (Ảnh: Internet)
Đại lễ Phật Đản là dịp tổ chức không chỉ để tôn vinh Đức Phật, mà hơn thế nữa, là cơ hội để ôn lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên phương diện một con người lịch sử, cùng những lời dạy của Ngài (Ảnh: Internet)
“Đại lễ Phật Đản là dịp tổ chức không chỉ để tôn vinh Đức Phật, mà hơn thế nữa, là cơ hội để ôn lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên phương diện một con người lịch sử, cùng những lời dạy của Ngài. Từ đó, để cùng mỗi người tự tin nhận ra rằng những điều tốt đẹp nhất, giác ngộ và giải thoát, là điều mà ai cũng có thể đạt tới được, đó không phải là sự ban phát - đặc quyền của một đấng nào đó siêu nhiên nào đó. Tin để sống theo, từ đó từng bước có được giá trị hạnh phúc thực sự, sống an lạc giữa đời mà không còn lo âu, sợ hãi; không bị danh vọng, tiền bạc, sự hưởng thụ… nhấn chìm”, Thượng tọa Thích Tâm Hải chia sẻ.
Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ, ngày này có mang một ý nghĩa thiêng liêng hơn đó là nhắc nhớ tứ chúng đệ tử Phật phải không ngừng nỗ lực tu tập, buông bỏ để trở về chính mình, tìm thấy chân tâm tự tánh, bản lai diện mục.

Vì sao trong Đại lễ các chùa tổ chức lễ tắm Phật?

Ở Việt Nam, Lễ Phật Đản tại các chùa thường được tổ chức trang nghiêm theo nghi thức Phật giáo. Tùy theo hệ phái, nghi thức cũng có phần khác biệt nhưng tương đồng ở nghi thức thiêng liêng gọi là “Mộc dục”, tức nghi thức Tắm Phật.

Nghi thức 'Tắm Phật' hay còn được gọi với cái tên thiêng liêng là 'Mộc dục' (Ảnh: Internet)
Nghi thức "Tắm Phật" hay còn được gọi với cái tên thiêng liêng là "Mộc dục" (Ảnh: Internet)

“Nghi thức này nhằm tái hiện lại hình ảnh chư thiên tắm mát Đức Phật lúc Ngài vừa đản sinh theo như truyền thuyết. Nhưng hành giả phải nhớ rõ, nghi lễ chỉ là hình thức, nội dung bên trong hình thức đó mới là điều quan trọng. Lễ mộc dục gửi một thông điệp vô cùng ý nghĩa đến hành giả, đó chính là hãy dùng dòng nước thanh lương kia gột rửa thân tâm, tẩy trừ phiền não, hướng đến thanh tịnh ba nghiệp thân - khẩu – ý”, Đại đức Thích Minh Phú chia sẻ.

Tại gia đình Phật tử, nếu có điều kiện sẽ tôn trí bảo tướng Thích Ca Sơ Sinh, thực hành nghi thức Mộc dục như ở các tự viện Phật giáo, còn nếu không có điều kiện thì sẽ trang hoàng ban thờ Phật tại nhà mình, dâng hương tưởng niệm. “Quan trọng nhất trong việc học Phật là thông qua hình thức tìm thấy ý nghĩa giác ngộ bên trong, chứ không phải mải mê nơi hình thức”, Đại đức Thích Minh Phú nhấn mạnh.

Ảnh: Tổng hợp

Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news

Cùng chuyên mục