Sau khi nhỏ nhầm acid vào miệng bé gái, người thân phát hiện tình trạng nổi bọt trắng mới tức tốc đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu nhưng vẫn gây ra hậu quả nặng nề.
Trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận trường hợp cấp cứu một bé gái 3 tháng tuổi trong tình trạng bị bỏng khoang miệng. Tại đây, gia đình bé gái cho biết vì sử dụng nhầm thuốc, cụ thể là nhỏ nhầm dung dịch acid vào miệng bé gái khiến bé bị nổi bọt trắng.
Mẹ của bé gái 3 tháng tuổi kể lại, ngày thường có thói quen cho con sử dụng vitamin D3. Ngày xảy ra chuyện, thay vì lấy lọ thấy vitamin D3 aquadetrim, do bất cẩn nên người nhà đã lấy nhầm lọ acid trichloracetic 80% (dùng để điều trị mụn cóc, mụn cơm - PV) cho bé uống.
"Hai lọ thuốc đều để trong khay dành cho trẻ, có màu sắc và hình dáng tương đồng. Khi nhỏ thuốc vào miệng cháu thì thấy xuất hiện chất dịch màu trắng trong khoang miệng, cháu quấy khóc liên tục. Lúc này gia đình mới biết nhầm lẫn, đã sơ cứu tại nhà bằng khăn ướt thấm hết chất dịch và lau sạch miệng cho bé, sau đó đưa bé đến bệnh viện cấp cứu", người nhà bệnh nhi 3 tháng tuổi cho biết.
Sau khi được cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán bé gái bị bỏng hóa chất khoang miệng độ III. Mặc dù tình trạng gây lo lắng nhưng sau khi được điều trị tích cực, hiện sức khỏe của bé đã ổn định và cho xuất viện về nhà.
Chuyên gia y tế cho biết, bỏng hóa chất là tình trạng bị bỏng do acid hoặc bazơ gây ra. Bệnh nhân bị bỏng hóa chất có dấu hiệu tổn thương trên da hoặc niêm mạc các khoang trong cơ thể. Nếu bỏng nặng có thể gây tổn thương đến gân cơ, xương hoặc nội tạng trong cơ thể.
Tùy theo cấp độ bỏng hóa chất sẽ gây ảnh hưởng đến cơ thể theo các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, bỏng hóa chất ở trẻ em lại đặc biệt nguy hiểm vì cơ thể của trẻ rất yếu ớt. Trong trường hợp của bé gái 3 tháng tuổi, rất may là chỉ mới dùng một lượng nhỏ (theo giọt) trên diện bỏng không lớn nên được điều trị kịp thời sẽ hạn chế nhiều di chứng về sau.
Việc bỏng hóa chất ở trẻ em hay trẻ em uống nhầm hóa chất không còn mới trong xã hội. Nguyên nhân phần lớn do người lớn chủ quan, để những lọ hóa chất vào chai nước lọc, nước ngọt khiến trẻ em nhầm lẫn. Chính vì vậy các chuyên gia khuyến cáo gia đình có trẻ nhỏ cần đặc biệt chú ý phân loại hóa chất và để xa tầm tay của trẻ em.
Nếu phát hiện trẻ em dùng nhầm hóa chất phải kịp thời sơ cứu bằng cách rửa sạch vùng bị bỏng bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý sau đó súc miệng cho trẻ rồi đưa đến cơ quan y tế gần nhất để can thiệp.
Ảnh: Tổng hợp