Sau hơn 1 tuần theo dõi, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định. Bác sĩ cho biết đây là trường hợp đầu tiên mà bệnh nhân đứt lìa 2 cẳng chân được "trồng" lại hoàn toàn.
Ngày 7/4, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thông tin về trường hợp của nam bệnh nhân được nối ghép 2 cẳng chân đứt lìa hy hữu tại Việt Nam. Trước đó, bệnh nhân là anh Đ.H.H. (38 tuổi, quê gốc Thái Bình) trong lúc sửa chữa máy ép vải sợi đã bất cẩn đứng vào trong khuôn ép của máy lúc đóng cầu dao. Kết quả sự cố xảy ra, anh H. bị máy ép vải sợi chém đứt lìa 2 cẳng chân.
Anh H. được người thân sơ cứu băng cầm máu tại chỗ, sau cả cả người thân trên và 2 chi dưới được bảo quản đưa đến bệnh viện. Anh H. sau đó được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật tại chỗ.
Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 6 tiếng đồng hồ với sự tham gia của 2 kíp mổ. Sau khi phẫu thuật, anh H. đã ổn định sức khỏe và được chuyển về khoa hồi sức cấp cứu để tiếp tục theo dõi. Hai cẳng chân đứt lìa của anh H. được nối lại vào người, tình trạng tái tưới máu ổn định và bắt đầu hồng trở lại.
Đến ngày thứ 6 sau ca phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân đã phục hồi tốt, lượng máu trở lại chỉ số bình thường, huyết động ổn định. Tại vị trí vết thương mổ đã khô bình thường, bàn ngón chân 2 bên trở nên nhuận sắc hồng và có độ ấm , hồi lưu tốt, ngón chân có thể cử động được và tiên lượng thuận lợi.
TS. Nguyễn Viết Ngọc thuộc khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật của Viện chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện 108 cho biết, việc các chi đứt rời khỏi cơ thể do mất an toàn về lao động không hiếm gặp. Tuy nhiên, việc các chi đứt lìa hoàn toàn khỏi cơ thể vô cùng hiếm gặp, nhất là khi bệnh nhân mất 2 cẳng chân. Trường hợp của bệnh nhân H. là người đầu tiên được phẫu thuật nối 2 cẳng chân đứt lìa hoàn toàn trở lại cơ thể trên một người bệnh ở Việt Nam.
Ngoài ra, theo bác sĩ Ngọc, đối với phần chi thể đứt rời lớn và đứt nhiều chi thể cùng lúc trên một người bệnh thì việc trồng lại cần tính toán rất kỹ. Nếu làm không cẩn thận thì ca phẫu thuật rất dễ gây nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh.
Ảnh: Tổng hợp