24h
Yeah1 News

Ngôi chợ lâu đời nhất Việt Nam có tên cực lạ, gắn liền với một vị thánh nổi tiếng

Thứ bảy, 19/08/2023 | 12:25 (GMT+7)

Ngôi chợ này được xác nhận kỷ lục lâu đời nhất ở Việt Nam. Tên chợ cũng rất đặc biệt, vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Đi đến làng Vân La Thị, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP Hà Nội, bạn sẽ được người dân giới thiệu về một ngôi chợ đặc biệt, có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam có tên là Chợ Mới Ông Già. Được biết, đây chính là nơi mà cha của Chử Đồng Tử - ông Chử Cù Vân từng ngồi bán cá. Cái tên của nó cũng bắt nguồn từ dấu tích hành nghiệp của hai cha con vị thánh nổi tiếng này.

Theo đó, Chử Cù Vân và con trai là Chử Đồng Tử vốn là người thuộc làng Chử Xá nay là xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Lúc sinh thời, cả hai cha con luôn yêu thương, dựa vào nhau mà sống. Sau biến cố cháy nhà, hai cha con chỉ còn lại 1 chiếc khố che thân, chia nhau sử dụng. Họ sống bằng nghề mò cua, bắt cá ở bờ sông Cái (đoạn chảy qua bãi đất tổng Xâm Hồng và bãi Tự Nhiên, nay là xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) rồi mang ra chợ bán.

Cha con Chử Đồng Tử sống bằng nghề mò cua bắt ốc
Cha con Chử Đồng Tử sống bằng nghề mò cua bắt ốc

Ngày ấy, tiền bạc còn chưa phổ biến nên họ trao đổi hàng hóa với nhau bằng gạo, rau…và những thực phẩm thiết yếu trong nhà. Lâu dần, chính cái chỗ mà mọi người tập trung lại để trao đổi hàng hóa hình thành nên một cái chợ. Chợ có tên là Chợ Mới Ông Già.

Đến thời nhà Lý, vì chợ nằm trong vùng đắp đê ngăn lũ nên đã được di dời đến địa điểm khác, chính là nơi mà ngày nay chợ đang tọa lạc. Gò đất của chợ cũ cũng trở thành nơi an táng hài nhi, đánh đống rơm rạ sau mỗi vụ mùa. Để tưởng nhớ công ơn của người đã lập nên chợ, người dân ở đây cũng dựng một miếu thờ để thờ cúng. Tuy nhiên, sau này, do quá trình trùng tu đê nên đã bị san bằng, hiện cũng trở thành đất nông nghiệp.

Khi mới thành lập, Chợ Mới Ông Già là một trong những khu chợ sầm uất nhất ở trấn Sơn Nam (sau chợ Bằng và chợ Vôi). Chợ rộng hàng chục mẫu Bắc Bộ. Bên trong chợ là các dãy quán được xây bằng gạch, lợp ngói để tránh mưa, tránh nắng. Chợ họp quanh năm. Riêng đối với gia súc, gia cầm thì được bán theo phiên. 1 tháng 6 phiên vào ngày mùng 3 và mùng 8.

Chợ nằm ở vị trí thuận lợi cho việc mua bán đi lại. Từ Thái Bình, Nam Định lên bạn đi bằng đường thủy dọc theo dòng sông Hồng. Còn từ Kinh Bắc, Hưng Yên thì chỉ cần bắt một chuyến đò là đến. Trong trường hợp bạn đi từ Hòa Bình, Sơn Tây xuống thì đi theo đường bộ, qua thành Thăng Long trong khoảng nửa ngày đi bộ.

Chợ Cái Ông Già nằm ở vị trí thuận tiện cho việc mua bán, đi lại
Chợ Cái Ông Già nằm ở vị trí thuận tiện cho việc mua bán, đi lại

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chợ bị tàn phá nặng nề. Đến khi hòa bình được lập lại, nhiều khu chợ mới dần mọc lên, nhu cầu mua bán hàng hóa cũng ngày càng tăng, vị thế của chợ cũng dần bị mất đi. Đến nay, chợ chỉ là một chợ nhỏ ở tầm liên xã.

Tuy nhiên, xét về lịch sử hình thành thì Chợ Mới Ông Già vẫn là khu chợ có tuổi thọ lâu nhất Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Năm 2020, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Chợ Mới Ông Già là ngôi chợ lâu đời gắn liền với truyền thuyết về cha con Chử Đồng Tử thời Hùng Vương tại Việt Nam.

Chợ Mới Ông Già được xác lập kỷ lục là ngôi chợ lâu đời nhất Việt Nam
Chợ Mới Ông Già được xác lập kỷ lục là ngôi chợ lâu đời nhất Việt Nam

Năm 2022, chia sẻ với Báo Dân Việt, ông Mai Văn Ngần – Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết, chính quyền và người dân đã đề xuất phục dựng hình ảnh Chử Cù Vân bán cá trên chính khu đất xưa ông ngồi. Bên cạnh đó chính là một ngôi đền thờ để giáo dục, nhắc nhở các thế hệ sau này hiểu, tri ân công trạng của Chử Đồng Tử - một vị thánh trong Tứ Bất Tử của Việt Nam.

Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news

Cùng chuyên mục