TP.HCM ghi nhận hơn 82.500 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp vào 6 tháng đầu năm, trong đó nhóm trình độ đại học trở lên chiếm tới 36%.
Ngày 31/7, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề việc làm tại thành phố này. Cụ thể, trong 6 tháng vừa qua, lượng người nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 5.000 người dân.
Đặc biệt, tỷ lệ lao động có trình độ từ đại học trở lên bất ngờ xếp thứ 2 trong tổng số toàn thành. Nhóm người không có bằng cấp vẫn chiếm phần đông nhất, lên đến 53%. Bên cạnh đó, nhóm cao đẳng, trung cấp và có chứng chỉ sơ cấp lần lượt chiếm các vị trí còn lại.
Bản tin thị trường lao động của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chỉ rõ, cả nước có hơn 13,85% người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm. So với số liệu của toàn quốc, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên nhưng lại thất nghiệp ở TP.HCM cao hơn gấp đôi.
Bà Hạnh Thục cho biết thêm, nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do tình hình cắt giảm nhân lực trong các doanh nghiệp, cơ sở lớn trên toàn thành phố. Một lý do khác cũng được bà đề cập đến chính là nhóm lao động có trình độ thấy công việc không phù hợp nên quyết định không tái ký hợp đồng, chọn thất nghiệp tạm thời để tìm kiếm công việc mới.
Đây được xem là khoảng thời gian “nghỉ xả hơi” của nhiều cá nhân lao động để lựa chọn thật kỹ cơ hội việc làm cho tương lai. Qua đó, nhóm lao động có trình độ cũng là nhóm được hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất, rơi vào khoảng 23,4 triệu đồng/tháng.
Trong thời gian từ tháng 9/2022 đến tháng 5/2023, báo cáo của Anphabe công bố cho thấy, cứ trung bình cứ 10 doanh nghiệp tại Việt Nam thì có 3 doanh nghiệp phải cắt giảm nguồn nhân lực để cắt giảm chi phí vận hành. Từ đó đã dấy lên một thách thức khó khăn cho người lao động Việt Nam giữa “làn sóng sa thải” như hiện tại.
Ảnh: Tổng hợp