Trong những kỷ vật từ chiến tranh, dòng thư đầy xúc động gửi gia đình của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh gửi gia đình, tiên lượng trước sự ra đi khiến ai đọc cũng xúc động nghẹn ngào.
Giữa bom đạn chiến tranh ác liệt nơi Thành cổ Quảng Trị những ngày chiến dịch 81 ngày đêm khói lửa, những người lính trẻ ra chiến trường như tiên lượng trước được hiểm nguy và tình huống xấu nhất. Họ đương đầu và chiến đấu vì Tổ quốc, để lại sau lưng gia đình, những người thân yêu nhất.
Trong dịp tri ân ngày Thương binh Liệt sĩ, bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh gửi gia đình trong những ngày ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972 lại khiến nhiều người nghẹn ngào xúc động.
Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh
Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh quê ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 1972, khi đang là sinh viên năm thứ 4 của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, theo tiếng gọi của Tổ Quốc, anh xếp bút nghiên, tạm biệt mẹ, vợ, gia đình và quê hương lên đường vào Nam chiến đấu.
Bức thư được anh gửi về cho gia đình được xem như một bản "di thư", đoán trước được về sự ra đi. Bức thư này được gia đình, bạn bè và đồng đội cất giữ, sau đó trao tặng lại cho Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.
Một phần bức thư được liệt sĩ Lê Văn Huỳnh gửi cho gia đình được lưu trữ tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị
Trích nội dung bức thư gây xúc động mạnh của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh gửi về gia đình:
"Quảng Trị, ngày 11-9-1972
Toàn gia đình kính thương!
Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã đi "nghiên cứu bí mật trong lòng đất", thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.
Mẹ kính mến! Thư này tới mẹ là con đã đi xa rồi. Chắc mẹ đau buồn lắm. Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ, chắc mẹ buồn lắm. Lòng mang nặng đẻ đau giọt máu đào hơn ao nước lã, lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời...
…
Em yêu thương. Mọi lá thư đến với em đều là nguồn động viên em khi xa anh. Song, lá thư này đến tay em sẽ là nỗi buồn lớn nhất. Chúng ta sống với nhau chưa được bao lâu, thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao yêu thương, trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều. Em chưa được hưởng diễm phúc ấy đã phải xa anh…
Em sẽ đọc bức thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả những người quen thân thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này…
Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự, thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về.
Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông vào ngày 2-1-1973. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm thôn Nhan Biều. Em cứ đi đến đó, tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Đến đó sẽ tìm thấy tấm bia ghi tên anh "đục trên mảnh tôn. Mộ anh ở đó…"
Chiến trường Thành cổ Quảng Trị ác liệt năm 1972 là nơi nhiều chiến sĩ trẻ hy sinh
Sau khi chiến tranh kết thúc, gia đình của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã lần tìm anh theo hướng dẫn trong bức thư. Đến năm 2002, sau 30 năm, hài cốt của liệt sĩ được tìm thấy nằm "ẩn mình" bên dòng sông Thạch Hãn ở Quảng Trị. Sau đó được đưa về an táng tại nghĩa trang xã Hồng Thái (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).
Những liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc, những người cựu chiến binh, thương bệnh binh dù vết thương trên da thịt đã lành theo năm tháng nhưng trong tâm tưởng vẫn còn nguyên vẹn những ký ức về một thời chiến tranh ác liệt. Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng những kỷ vật hiện hữu, những con người ra đi và ở lại vẫn luôn nhắc nhở những thế hệ sau về tấm lòng yêu nước, dũng cảm hy sinh của bậc cha ông đi trước.
Ảnh: Tổng hợp