Chơi lan là thú vui được nhiều người yêu thích, nhưng không phải ai cũng có thể theo đuổi nghiêm túc đam mê này dài lâu vì đây là loài hoa khó chăm sóc, đòi hỏi nhiều công phu của người chơi. Nghệ nhân lan Phương Thuần chia sẻ những câu chuyện phía sau thành công của anh
Từ chàng thanh niên nghèo
Phương Thuần sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng núi Tam Đảo. Thương cha mẹ vất vả, học hết cấp 3, anh bắt đầu đi làm để trang trải. Đam mê vẻ đẹp của hoa lan từ sớm, nhưng vì điều kiện kinh tế không cho phép anh chỉ đành âm thầm gác lại ước mơ. Khi kinh tế tốt lên, mở được nhà hàng riêng, anh bắt đầu nghĩ đến việc theo đuổi đam mê của mình.
“Từ những năm 2005, tôi đã đi sưu tầm các giống hoa lan khắp khu vực Vĩnh phúc (khi đó chỉ là các giống lan thường). Vừa làm vừa theo đuổi sở thích và đam mê, tôi tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi và cơ hội sưu tầm các loại lan. Từ một vài giống, tôi mở rộng quy mô dần dần, từ đấy số lượng giống cũng tăng lên. Tôi xây dựng dàn, tích lũy các kinh nghiệm sau rất nhiều thời gian chăm sóc. Khi điều kiện kinh tế ổn định hơn, tôi chuyển giao nhà hàng cho vợ và tập trung chuyên tâm chăm sóc và sưu tầm hoa lan cho thỏa đam mê của bản thân”, nghệ nhân Phương Thuần tâm sự.
Trải qua nhiều khó khăn
Nhưng mọi việc không hề dễ dàng như tưởng tượng. Những ngày đầu chơi lan, anh gặp nhiều thất bại vì việc chăm sóc hoa lan đòi hỏi không chỉ niềm yêu thích mà còn rất nhiều kiến thức. “Những năm đầu (khoảng 2006) có giò lan tôi dành dụm 3 tháng mới mua được, nhưng chưa biết chăm đúng cách, cây không phát triển tốt. Tôi tiếc ngẩn ngơ nhưng tự mình động viên mình rằng không thể nản chí, mình đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, đến nay ước mơ ngày một gần hơn thì sao lại bỏ cuộc”, anh chia sẻ.
Anh bắt đầu mày mò tìm hiểu, học hỏi từ những người nhiều kinh nghiệm. Kinh nghiệm được tích luỹ mỗi ngày giúp anh nhận ra được nhiều sai lầm của bản thân. Đầu tiên, cần chọn giống lan phù hợp. Vì khó có thể tạo ra môi trường nhân tạo phù hợp tuyệt đối nên hãy ưu tiên chọn loại phù hợp khí hậu địa phương, yêu cầu về dinh dưỡng, độ ẩm dễ đáp ứng. Thứ hai, cần bổ sung dinh dưỡng có chừng mực. Vì tâm lý sợ hoa thiếu chất sẽ kém phát triển, nhiều người vô tình khiến cây lan của mình rơi vào tình trạng “bội thực".
Nghệ nhân Phương Thuần cũng đưa ra lời khuyên: tưới nước vừa phải để tránh làm úng rễ, bón phân hợp lý, tuỳ theo nhu cầu cây để tránh làm cháy lá, cháy rễ. Đặc biệt, cây mới ghép không nên bón phân, mà chỉ nên dặm phân khi bộ rễ đã phát triển hoàn thiện và vẫn phải duy trì môt liều lượng vừa phải. Anh hy vọng những kiến thức học hỏi từ thất bại của mình có thể giúp được nhiều người chơi lan mới.
Đến chủ vườn lan 50 tỷ
Đến nay, nghệ nhân Phương Thuần đã sở hữu những thành quả khiến người khác ngưỡng mộ. Tính đến nay, anh đã sưu tầm được khoảng 20 loại lan đột biến gồm giống 5CT (5CT Phú Thọ, HO, Bạch Tuyết, Bảo Duy, Cờ Đỏ,...); và một số giống đột biến Hồng (Mỹ Nhân, Nhật Hạ, Yên Thuỷ,...). Anh còn là chủ một vườn lan rộng khoảng 500m2 với khoảng 1000 chậu, tổng giá trị lên đến 50 tỷ. Anh luôn tự hào khi giới thiệu những chậu lan quý mình tự tay ươm và cả những châu lan đột biến có giá trị khủng. “Số tiền lớn nhất tôi từng bỏ ra để mua một chậu lan là 300 triệu đồng. Đây là một trong những giống lan tôi ước ao từ ngày đầu biết về lan đột biến", Phương Thuần cho biết.
Theo nghệ nhân Phương Thuần, để đạt được thành công, người chơi lan cần có niềm đam mê thực sự, nếu chỉ yêu thích nhất thời sẽ rất dễ từ bỏ giữa chừng. Anh hy vọng câu chuyện thành công của mình có thể trở thành nguồn cảm hứng cho những người mới bắt đầu, tiếp thêm động lực để họ phấn đấu nhiều hơn.
Tìm hiểu thêm thông tin tại: https://www.facebook.com/profile.php?id=100006149478601