Những ngày qua, người dân hoang mang không biết ngân hàng nào sẽ tính phí duy trì với tài khoản 0 đồng hoặc tài khoản đã lâu không còn sử dụng?
Liên quan đến vấn đề thanh toán phí duy trì tài khoản dù tài khoản đã về mức 0 đồng hoặc ngưng sử dụng nhiều năm khiến cộng đồng mạng xôn xao. Theo thông tin được ghi nhận, những ngày qua, không ít khách hàng đã tìm đến ngân hàng để yêu cầu khóa thẻ đã lâu không sử dụng. Lúc này, họ mới "tá hỏa" khi biết số tiền duy trì thẻ mà mình phải trả cho ngân hàng thời gian qua.
Một khách hàng trú tại quận 3 (TP.HCM) cho biết đồng nghiệp của cô vừa đến Ngân hàng Đông Á để yêu cầu đóng tài khoản do tài khoản được mở từ thời sinh viên khoảng 10 năm trước nhưng đã lâu không còn sử dụng. Khoản phí duy trì mà người này phải đóng cho ngân hàng là 450.000 đồng. Đây là phí thường niên do mỗi năm ngân hàng sẽ ghi nợ 50.000 đồng/tài khoản dù tài khoản có số dư là 0 đồng.
Trước đó, nhiều người hoang mang không kém khi nghe tin Ngân hàng Eximbank ghi nợ phí SMS Banking đối với những tài khoản có số dư 0 đồng hoặc ngừng sử dụng từ lâu. Hay mới đây, một khách hàng ở quận Gò Vấp (TP.HCM) cũng ra Ngân hàng PVcomBank để đóng thẻ và được biết phải trả mức phá duy trì thẻ 22.000 đồng/tháng.
Mỗi ngân hàng có một chính sách và quy định riêng về những tài khoản không phát sinh giao dịch trong thời gian dài hoặc tài khoản có số dư 0 đồng. Nhiều người thắc mắc, vậy những ngân hàng trên thị trường hiện nay đang tính phí thế nào với các tài khoản bị "bỏ quên"?
Những ngân hàng tính phí thế nào với các tài khoản bị "bỏ quên"?
1. Ngân hàng Agribank
Theo khảo sát, Ngân hàng Agribank sau khi hết hạn thẻ thì tài khoản sẽ tự động đóng lại. Nếu tài khoản đó vẫn còn số dư thì số tiền ấy sẽ được cho vào tài khoản "treo". Khi khách hàng có nhu cầu rút số dư này ra thì hãy trực tiếp đến quầy giao dịch gần nhất, thực hiện các thủ tục theo hướng dẫn của nhân viên.
Ngoài ra, Ngân hàng Agribank sẽ không thu phí duy trì trong thời gian tạm khóa thể. Những tài khoản không đáp ứng đủ số dư tối thiểu hoặc không có hoạt động trong vòng 12 tháng sẽ được Agribank đưa vào chế độ "tài khoản ngủ" và không hạch toán chi phí.
Trong vòng 36 tiếp theo, nếu tài khoản vẫn không có hoạt động gì khác thì ngân hàng sẽ trực tiếp đóng tài khoản đó. Được biết, số dư tối thiểu mà Ngân hàng Agribank yêu cầu khách hàng duy trì trong tài khoản là 50.000 đồng.
2. Ngân hàng BIDV
Ngân hàng BIDV sẽ đóng tài khoản của khách hàng khi tài khoản có số dư 0 đồng hoặc không có hoạt động giao dịch trong vòng 6 tháng. Khi tài khoản bị đóng, ngân hàng sẽ tự động chấm dứt những liên kết dịch vụ với tài khoản đó. Đồng thời, ngân hàng sẽ tự động trích nợ để thanh toán các khoản phí theo biểu phí của BIDV và các nghĩa vụ tài chính khác của khách hàng tại BIDV nếu có.
Nếu muốn sử dụng lại tài khoản sau khi tài khoản bị đóng, khách hàng ra quầy giao dịch thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên để mở lại tài khoản thanh toán.
3. Ngân hàng Vietcombank
Nếu tài khoản về số dư 0 đồng hoặc không sử dụng trong 12 tháng liên tục, Ngân hàng Vietcombank sẽ tự động tài tài khoản. Nếu muốn tái sử dụng tài khoản thì khách hàng làm thủ tục mở lại thẻ ở quầy giao dịch.
4. Ngân hàng Vietinbank
Tương tự như các ngân hàng trên, Ngân hàng Vietinbank quy định sẽ tự động đóng tài khoản của khách hàng nếu số dư 0 đồng và không phát sinh bất kỳ giao dịch nào khác trong vòng 12 tháng.
5. Ngân hàng TPBank
Ở TPBank, khi tài khoản không có giao dịch, nó sẽ tự chuyển sang trạng thái "ngủ đông" nếu số dư không đủ để trả các khoản phí. Nhưng nếu có bất kỳ giao dịch nào diễn ra, tài khoản sẽ bị trừ phí hàng năm và một số phí khác nếu khách hàng đã đăng ký sử dụng dịch vụ. Sau đó, khách hàng có thể tiếp tục sử dụng tài khoản bình thường như thực hiện chuyển khoản, gửi tiết kiệm và các hoạt động khác.
6. Ngân hàng ACB
Ngân hàng ACB cũng tự động đóng tài khoản thẻ nếu không có hoạt động sử dụng từ phía khách hàng và không tính phí dịch vụ. Để hủy thẻ, khách hàng sẽ phải chi thêm 20.000 đồng.
7. Ngân hàng Techcombank
Ngân hàng Techcombank sẽ tự động đóng tài khoản của khách hàng nếu trong vòng 12 tháng không có bất kỳ giao dịch nào được thực hiện.
8. Ngân hàng MB Bank, MSB, HDBank...
Các ngân hàng như MB Bank, MSB, HDBank,... áp dụng chính sách tạm ngưng hoặc đóng tài khoản nếu không có giao dịch và duy trì số dư trong khoảng từ 6 tháng đến 3 năm.
Làm cách nào để biết tài khoản ngân hàng có còn hoạt động hay đã bị đóng?
Để kiểm tra thẻ ngân hàng còn hoạt động hay không, người dùng có thể xác minh bằng nhiều cách khác nhau. Khách hàng có thể sử dụng máy ATM để kiểm tra, đưa thẻ đến quầy giao dịch để nhân viên kiểm tra, hoặc thậm chí là gọi điện đến hotline của ngân hàng.
Ngoài ra, họ cũng có thể đăng nhập vào các dịch vụ ngân hàng trực tuyến để kiểm tra tình trạng của thẻ .
Trong trường hợp tài khoản bị khóa, ngân hàng sẽ gửi thông báo qua email hoặc tin nhắn SMS đến điện thoại mà khách hàng đăng ký với ngân hàng. Nếu khách hàng muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ thì cần nạp tiền vào tài khoản hoặc đến chi nhánh quầy giao dịch gần nhất trong vòng 30 ngày để nộp tiền bổ sung kể từ lúc có thông báo khóa tài khoản.
Tùy theo quy định của từng ngân hàng mà họ sẽ thu phí duy trì hoặc những khoản phí chưa được thanh toán trước đó của khách hàng