Một trong những thứ không thể thiếu vào mùa trung thu chính là bánh trung thu. Nếu như hết mùa mà bánh trung thu vẫn còn thừa thì sẽ được xử lý.
Tết trung thu là một trong những ngày lễ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người Á Đông. Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc đều xem Tết trung thu là ngày lễ lớn và cho phép người dân nghỉ ngơi bên gia đình. Tại Việt Nam, vào ngày Tết trung thu, mọi người thường có thói quen quây quần bên gia đình để thưởng thức bánh trung thu, uống trà và nghe kể chuyện. Mặc dù thời nay, cuộc sống luôn tất bật nhưng những giá trị truyền thống đó vẫn được đề cao.
Bánh trung thu là một thứ không thể thiếu trong ngày Tết trung thu theo quan niệm của người Việt. Từ xưa, bánh trung thu được chế biến đa dạng với nhiều loại nguyên liệu như thịt, nấm, lạp xưởng... hoặc nhân ngọt như hạt sen, đậu xanh, khoai môn... Ngày nay, bánh trung thu xuất hiện với nhiều hình thức độc đáo và mới lạ hơn như bánh nhân cốm dừa, bánh dẻo mochi, bánh trung thu nhân trái cây tươi...
Việc có quá nhiều chỗ bán bánh trung thu từ công ty sản xuất chính quy đến bánh handmade khiến sự tiêu thụ bánh trung thu không còn như lúc trước. Ngoài ra, việc người dân hạn chế ăn quá nhiều đồ tinh bột, chất béo và đồ ngọt cũng là nguyên nhân khiến bánh trung thu không còn đắt khách. Hết mùa trung thu, nhiều cửa hàng bán bánh phải bán tháo hoặc ngậm ngùi đổ bỏ.
Bánh trung thu là loại thực phẩm có thời hạn sử dụng ngắn ngày, chính vì vậy các cửa hàng không thể bảo quản đến năm sau để tiếp tục sử dụng. Như vậy, khi hết mùa trung thu, nếu cửa hàng hoặc công ty còn thừa bánh thì sẽ giải quyết thế nào?
Cách xử lý thứ nhất: Phần lớn bánh trung thu đều được sản xuất theo số lượng đặt trước, thông thường là do các công ty, doanh nghiệp lớn đặt hàng tặng nhân viên hoặc những khách hàng có nhu cầu. Tuy nhiên, số lượng bánh trung thu bán đại trà trên thị trường thì khó có thể đong đếm được. Chính vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bánh trung thu đều sẽ giảm giá hoặc sử dụng các chiến dịch khuyến mãi khi gần kết thúc mùa trung thu dựa theo số lượng hàng tồn mà mình có. Những biển hiệu "mua 1 tặng 1", "mua 1 tặng 3" hay thậm chí là "mua 1 tặng 4" được dán khắp nơi không khó nhìn thấy.
Cách xử lý thứ hai: Nếu hết tết trung thu mà bánh trung thu của công ty còn thừa thì công ty đó sẽ tiến hành phân phát lại cho nhân viên như một đãi ngộ trong công việc. Nhân viên sẽ mang bánh này đi biếu tặng hoặc sử dụng trong gia đình tùy theo nhu cầu của họ.
Cách xử lý thứ ba: Đối với những loại bánh trung thu làm từ nguyên liệu đắt tiền, có giá thành cao thì không dễ dàng bán tháo hay tặng kèm. Một số doanh nghiệp sẽ tái sử dụng bánh này bằng cách lọc vỏ bánh và nhân bánh, sau đó mang đi chế biến thành một loại bánh khác hoặc làm bánh quy để tránh lãng phí. Cách này khá ít người sử dụng vì còn phải phụ thuộc vào khả năng chế biến, sáng tạo của cửa hàng. Một số khác thì sẽ nghiền nát bánh trung thu và làm thức ăn cho các trang trại chăn nuôi như gà, lợn, cá, bò...
Cách xử lý thứ tư: Cuối cùng, người ta bảo quản bánh trung thu trong thời gian lâu hơn bằng cách bỏ chúng vào trong ngăn đông của tủ lạnh nếu không muốn lãng phí hay lỗ tiền. Tuy nhiên, cách bảo quản này không đảm bảo an toàn và độ tươi ngon của bánh nếu muốn sử dụng sau này.