Trong trường hợp nhận tiền chuyển nhầm tài khoản và sử dụng khoản tiền đó, công dân vi phạm có thể bị xử lý theo quy định được nêu rõ trong luật pháp.
Ngày nay, việc giao dịch tiền qua ứng dụng ngân hàng online (hay còn được gọi là Internet Banking) ngày càng phát triển trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chính vì sự nhanh, gọn, tiện lợi và ít tốn kém nên nhiều người ưa chuộng hình thức chuyển tiền trực tuyến. Tuy vậy, cũng vì những lợi ích này mà phát sinh một số sự cố không mong muốn, một trong số đó là việc chuyển nhầm tài khoản xảy ra thường xuyên.
Không ít người trong quá trình giao dịch muốn chuyển tiền cho một tài khoản nhưng vì sơ suất đã chuyển nhầm cho một tài khoản khác là điều không hiếm gặp. Ngoài việc xử lý sau khi chuyển khoản nhầm, những người nhận tiền từ tài khoản lạ càng phải quan tâm để tránh phạm sai lầm gây rắc rối cho chính bản thân mình.
Theo quy định của pháp luật, nếu một người nhận được khoản tiền chuyển nhầm vào tài khoản của mình thì người đó phải có nghĩa vụ hoàn trả lại toàn bộ số tiền (tài sản) đã nhận từ tài khoản chuyển nhầm theo quy định tại Điều 579, 580 Bộ luật Dân sự 2015.
Nếu người nhận tiền không biết thông tin của tài khoản chuyển nhầm, người nhận tiền cần báo ngay cho ngân hàng hoặc cơ quan chức năng để được hướng dẫn giải quyết.
Trong trường hợp người nhận tiền chuyển nhầm nhưng không có ý định hoàn trả lại cho người chuyển nhầm và rút tiền xem như tài sản cá nhân sử dụng thì sẽ vi phạm tội chiếm giữ tài sản của người khác. Tội danh này sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật
Cụ thể, đối với hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền 3-5 triệu đồng. Ngoài ra, người chiếm giữ có nghĩa vụ phải hoàn trả lại số tiền, tài sản đã chiếm giữ.
Nếu tài sản chiếm giữ trái phép có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, người chiếm giữ bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ 2 năm hoặc phạt từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu tài sản chiếm giữ trái phép có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên thì người chiếm giữ sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm.
Nếu người nào sử dụng số tiền cho người khác chuyển nhầm vào tài khoản, mức tiền dưới 10 triệu đồng thì bị phạt hành chính 3-5 triệu đồng. Nếu số tiền từ 10-200 triệu đồng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm. Nếu số tiền từ 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1-5 năm theo quy định.
Như vậy, nếu phát hiện có người chuyển nhầm tiền vào tài khoản của mình, người nhận tiền không nên chuyển lại số tiền đó cho tài khoản đối phương mà cần báo cáo với ngân hàng hoặc cơ quan chức năng để được giải quyết theo trình tự, nhằm xác định và chuyển trả số tiền cho chủ nhân chuyển nhầm. Thời gian tra soát của ngân hàng mất khoảng 30-45 ngày kể từ khi có thông báo.
Người nhận tiền chuyển nhầm không được sử dụng cho mục đích chi tiêu cá nhân và phải làm việc với ngân hàng để hoàn trả tiền theo quy định. Nếu số tiền nhận được quá lớn, người nhận nên trực tiếp đến chi nhánh của ngân hàng gần nhất để xác minh hoặc liên hệ với cơ quan công an. Tuyệt đối không tự ý chuyển trả lại cho bất kỳ đối tượng nào gửi yêu cầu.
Ảnh: Tổng hợp