Tỉnh ở Việt Nam có nhiều thắng cảnh đẹp mang tên "nghĩa khí rộng lớn", nhưng đến 90% cư dân ở đây không biết về điều này.
Quảng Ngãi vốn thuộc phủ Tư Nghĩa, thừa tuyên Quảng Nam, được hình thành sau khi nhà Lê mở rộng bờ cõi về phía Nam. Năm 1602, phủ Tư Nghĩa đổi thành phủ Quảng Nghĩa. Trong tên gọi Quảng Nghĩa, chữ “Quảng” tức “rộng lớn”, còn “Nghĩa” là “nghĩa khí”. “Quảng Nghĩa” có thể hiểu là “nghĩa khí rộng lớn”. Sau này, theo một số nhà nghiên cứu ở Viện Hán Nôm, việc đọc chệch chữ “Nghĩa” thành “Ngãi” là do kiêng thụy hiệu của Hoằng Nghĩa vương Nguyễn Phúc Thái (1667 - 1691).
Ít ai biết, tỉnh Quảng Ngãi được được tách ra từ tỉnh cũ Nghĩa Bình. Theo đó, tháng 9/1975, tỉnh Nghĩa Bình được hình thành trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Đến tháng 7/1989, tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định được tái lập khi Quốc hội ra nghị quyết chia tách tỉnh Nghĩa Bình. Lúc đó, tỉnh Quảng Ngãi có một thị xã và 10 huyện. Hiện nay, Quảng Ngãi có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố, 1 thị xã, 5 huyện đồng bằng ven biển và trung du, 5 huyện miền núi và 1 huyện đảo.
Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi được tách ra từ huyện Bình Sơn vào năm 1993. Đến cuối năm 2019, huyện Lý Sơn có 3 xã gồm An Vĩnh, An Hải và An Bình. Tháng 3/2020, huyện Lý Sơn giải thể các đơn vị hành chính 3 xã. Đây cũng là huyện duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi không có cấp xã. Lý Sơn có diện tích khoảng 10,39 km2 , dân số trên 22.000 người. Với hơn 2.000 người mỗi km2, đây là huyện đảo có mật độ dân số cao nhất trong 12 huyện đảo của Việt Nam.
Thiên Ấn là tên ngọn núi nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc về phía hạ lưu, thuộc thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh. Núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc hợp thành cặp biểu tượng sơn thủy thiêng liêng của Quảng Ngãi.
Núi Thiên Ấn cao 106m, trông từ bốn phía đều tựa hình thang cân. Đỉnh núi bằng phẳng, tạo thế nhìn phóng khoáng, bao quát một vùng không gian rộng lớn với những ruộng đồng, đồi núi, làng mạc, sông nước, hợp thành bức tranh phong cảnh hữu tình.
Vào mùa nước đầy, nhìn từ phía bờ bắc, dòng nước sông Trà Khúc chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc như dồn vào chân núi. Sau đó, nước từ chân núi theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đổ về Cửa Đại.
Tướng Nguyễn Chánh (1914 – 1957) quê ở huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Ông từng là Bí thư liên tỉnh Nghĩa - Bình - Phú (Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên). Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn liền với Mặt trận Liên khu V, một chiến trường khó khăn về kinh tế, bị quân đội Pháp bao vây tứ bề, cách xa Trung ương. Dưới sự lãnh đạo của ông, quân và dân đã giành nhiều thắng lợi quan trọng.
Trong đó, ông đã chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Kon Tum, đánh thắng trận An Khê, phá tan cuộc hành binh Atlante của tướng Henri Navarre. Chiến thắng này góp phần chia lửa cùng chiến trường Điện Biên Phủ, cùng cả nước đi đến thắng lợi, buộc Pháp phải đầu hàng và rút khỏi Việt Nam…
Ngoài tướng Nguyễn Chánh, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) còn nhiều vị tướng tài khác lập được chiến công góp phần to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc như: Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Trần Quý Hai, Trung tướng Phạm Kiệt, Trung tướng Nguyễn Đôn…