Ngôi chùa này ngoài khuôn viên rộng lớn thì còn nổi tiếng với những truyền thuyết ly kỳ phía sau và cả 1 loài động vật có "khả năng đặc biệt" ở nơi này.
Việt Nam vốn là một quốc gia có nền văn hóa tâm linh khá phát triển. Vì thế, có không ít ngôi chùa cũng trở nên nổi tiếng, được nhiều Phật tử lẫn những người bình thường không theo đạo Phật nhưng vẫn lui đến. Trong đó, có một ngôi chùa nổi tiếng ở Việt Nam khi đạt kỷ lục là ngôi chùa lớn nhất thế giới với khuôn viên lên đến hơn 5.000 ha.
Ngôi chùa đặc biệt đó chính là chùa Tam Chúc. Chùa nằm ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, quần thể chùa Tam Chúc có tổng diện tích khoảng 5.100 ha, gồm hồ nước rộng 1.000 ha, rừng tự nhiên rộng 3.000 ha, thung lũng rộng gần 1.000 ha và dãy núi đá.
Chùa Tam Chúc vốn được xây từ khoảng khoảng 1.000 năm về trước từ thời nhà Đinh. Nơi này được xem là nơi "thiên thời địa lợi", có địa hình đắc địa nhìn sông tựa núi, phía trước chùa có hồ Tam Chúc, phía sau là dãy núi Thất Tinh. Đặc biệt, chùa Tam Chúc còn gắn với truyền thuyết “Tiền Lục nhạc – hậu Thất Tinh” vô cùng kỳ bí suốt nhiều năm qua.
Theo truyền thuyết này, có 7 nàng tiên nữ trong một lần ngao du đã ghé qua nơi này. Vì quá say đắm cảnh vật mà không chịu về. Nhà trời cử người mang chuông xuống gọi 7 nàng về nhưng không được. 6 hòn đảo nhỏ giữa hồ Tam Chúc được ví như 6 quả chuông nhà trời mang xuống trần gian năm đó, gọi là “lục nhạc”. Tuy nhiên, đây chỉ là truyền thuyết hư ảo mà thế hệ cha ông lưu truyền từ nhiều đời.
Chùa là nơi du lịch tâm linh nổi tiếng, ngoài ra còn được đánh giá là điểm đến lý tưởng để vãn cảnh, tận hưởng không khí trong lành. Nơi đây được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn”, có phong cảnh hữu tình bậc nhất Việt Nam.
Mặt khác, khu vực Tam Chúc có loài cá Trối vô cùng đặc biệt. Nó được xem như “lính thủy đánh bộ” của loài cá. Từ lâu, nhiều người dân đi rừng thường gặp cá Trối và chứng kiến những “tài năng” đặc biệt của nó. Theo tìm hiểu, cá Trối có cơ quan hít thở không khí nên có thể sống trên cạn. Khi thời tiết khô cạn, chúng lại chui sâu xuống dưới đáy hồ Tam Chúc để sinh tồn. Nhiều người đến chùa vì thế cũng mong muốn được tận mắt xem loài cá đặc biệt này.