Bộ lạc ở châu Á sở hữu đôi mắt màu xanh biếc tuyệt đẹp và cực hiếm giống người phương Tây, một số người thậm chí có mắt mỗi bên một màu khác nhau.
Mới đây, các bức ảnh về đôi mắt màu xanh của trẻ em trong bộ tộc Buton trên đảo Indonesia lan truyền trên các mạng xã hội, gây ấn tượng mạnh mẽ và khiến nhiều người kinh ngạc. Theo đó, hòn đảo Buton (vùng Sulawesi của Indonesia) là nơi sinh sống của người Buton bản địa. Hòn đảo này gây chú ý bởi những người dân có đôi mắt xanh biếc tuyệt đẹp và cực hiếm.
Thông thường, đặc điểm ngoại hình "mắt xanh, tóc vàng" là điển hình cho người dân da trắng ở các nước phương Tây. Người châu Á nói chung có màu da vàng, đôi mắt đen hoặc nâu, tóc cũng màu đen. Việc bắt gặp một người châu Á có đôi "mắc biết" được mô tả tựa như bắt gặp viên đá quý giữa rừng nhiệt đới, chỉ có điều "viên ngọc" ấy nằm trong đôi mắt của những người dân ở hòn đảo Buton.
Người dân thuộc bộ lạc Buton thường mắc phải hội chứng Waardenburg, một loại bệnh di truyền hiếm gặp, ảnh hưởng đến sắc tố mắt và da, đồng thời có thể gây ra tình trạng mất thính giác từ khi sinh ra. Hội chứng Waardenburg tác động những người trong bộ tộc, tạo ra một sự kết hợp đặc biệt giữa đôi mắt xanh sâu như biển cả và làn da có màu nâu đỏ.
Tỉ lệ mắc phải hội chứng này ước lượng là khoảng 1 trường hợp trên mỗi 42.000 người. Ngoài ra, những người bị ảnh hưởng bởi hội chứng Waardenburg cũng có thể có đôi mắt xanh sáng hoặc hai mắt khác màu. Bệnh này cũng có thể gây ra mất thính giác, thay đổi màu sắc của tóc, da và mắt.
Nguyên nhân gây ra hội chứng Waardenburg là do đột biến trong một số gene ảnh hưởng đến hoạt động của tế bào mào thần kinh trong quá trình phát triển phôi. Do đó, một số thành viên của bộ tộc Buton có đôi mắt đặc biệt thu hút và hấp dẫn đối với người khác.
Những bức ảnh về bộ tộc này được Korchnoi Pasaribu, một nhà địa chất học kiêm nhiếp ảnh gia người Indonesia, ghi lại và chia sẻ trên Instagram. Theo Pasaribu, đây không phải là bộ tộc đặc biệt đầu tiên mà anh từng đến thăm, nhưng có thể là bộ tộc độc đáo ấn tượng nhất.