Nhiều ngành nghề được dự báo có nguy cơ bị cắt giảm lao động nửa cuối năm 2023, người lao động mất việc chủ yếu tập trung ở khu vực nào.
Mới đây, bản tin thị trường lao động quý I/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết bên cạnh những ngành sản xuất đã trở lại, tăng cường tuyển dụng vẫn có nhóm ngành sẽ tiếp tục sụt giảm việc làm trong thời gian tới. Cụ thể, do đơn hàng sụt giảm nên nhiều lao động tại các địa phương cũng bị ảnh hưởng đến việc làm. Trong đó, các ngành dệt may, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ... bị tác động nhiều dẫn đến cắt giảm lao động.
Theo trang web của Tổng cục Thống kê cho biết, có gần 294.000 lao động phải nghỉ, giãn việc do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng trong 3 tháng đầu năm. Dự báo các ngành may mặc sẽ tiếp tục giảm 38.100 việc làm; sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 38.000; in, sao chép bản ghi các loại giảm 37.800 người…
Lao động mất việc chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai, khoảng gần 32.600 người; Bình Dương gần 21.700 người, Bắc Ninh 14.000 người, Bắc Giang là 7.700 người,…Đông Nam Bộ trở thành vùng bị ảnh hưởng nặng nhất do tình trạng giảm sút đơn hàng của nhiều doanh nghiệp lớn.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, xu hướng tuyển dụng yêu cầu trình độ từ đại học trở lên chiếm 49,4%; cao đẳng, trung cấp, sơ cấp chiếm 42,3%, không yêu cầu có chuyên môn kỹ thuật 8,3%. Người lao động tìm việc kỳ vọng mức lương phổ biến từ 5 - 10 triệu đồng/tháng, chiếm đến 40,9%; có 27,1% kỳ vọng mức lương từ 10 - 15 triệu đồng.
Có 5 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng, nhiều nhất là thông tin và truyền thông; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, 5 nghề được người lao động tìm việc nhiều nhất là lao động giản đơn trong lĩnh vực công nghiệp; nhân viên bán hàng và kinh doanh; kế toán và tài chính; quản lý sản xuất; quản lý nhân sự và quản lý dự án. Ngoài ra, 5 nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là phát triển phần mềm, quản trị mạng, an ninh mạng, chuyên viên dữ liệu và truyền thông; kế toán và tài chính; kinh doanh, bán hàng quản lý sản phẩm; tư vấn sức khỏe và các công việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe; kỹ sư cơ khí, điện tử, tự động hóa.
Mặc dù có sự khởi sắc, song Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức trong quý II. Việc cắt giảm lao động dự báo có thể kéo dài tới tận cuối năm 2023, khi hàng loạt doanh nghiệp trong nước mất đơn hàng vì các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản giảm nhu cầu tiêu dùng; khó khăn nguyên liệu, chi phí tăng cao.