Nếu điện thoại không thể quét được Căn cước công dân (CCCD) để xác thực sinh trắc học. Vậy người dân cần làm như thế nào.
Từ 01/7/2024, khi chủ tài khoản chuyển khoản từ 10 triệu đồng/giao dịch hoặc tổng giá trị từ 20 triệu đồng/ngày cần phải thực hiện xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt. Tuy vậy, hiện nay, có rất nhiều người gặp khó khăn khi điện thoại không thể tiến hành xác thực vì thế có thể gây gián đoạn chuyển tiền từ 1/7. Trong trường hợp này, người dân cần làm gì?
Xác thực sinh trắc học bằng công nghệ NFC (Near Field Communication) là công nghệ sử dụng cảm ứng từ trường để thực hiện kết nối thiết bị (smartphone, tablet…) với căn cước công dân gắn chip để chuyển đổi dữ liệu nhằm nhận diện và xác minh cá nhân thông qua đặc điểm sinh học là hình ảnh khuôn mặt. Công nghệ này được xem là hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất, đảm bảo an toàn cho khách hàng khi thực hiện các giao dịch tài chính.
Để đạt kết quả tốt nhất, khách hàng cần đặt CCCD vào đúng vị trí chip NFC. Khách hàng có thể cần thử nhiều lần để xác định chính xác, hoặc tham khảo hướng dẫn sử dụng. Ngoài ra, các loại ốp lưng điện thoại dày hoặc ốp lưng có kim loại sẽ ảnh hưởng đến việc đọc dữ liệu từ CCCD.
Nguyên nhân khiến người dùng không thể cập nhật thông tin sinh trắc học của mình cho tài khoản ngân hàng
- Các dòng điện thoại phiên bản cũ không hỗ trợ tính năng NFC vì thế không thể đọc được dữ liệu CCCD gắn chip. Các dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành iOS có hỗ trợ NFC bao gồm: iPhone 7 series trở lên hoặc iPhone SE 2020 trở lên.
- Thao tác sai: Thông thường, vị trí đặt thẻ CCCD gắn chip để có thể quét NFC nằm ở mặt sau của điện thoại và gần khu vực camera hoặc logo của hãng. Tuy vậy, mỗi dòng điện thoại sẽ có vị trí NFC khác nhau, trường hợp ứng dụng ngân hàng báo không khớp, người dùng cần thử di chuyển điện thoại cho đến khi thành công.
Để có thể quét NFC nhanh chóng, chính xác, người dùng nên đặt thẻ CCCD gắn chip lên mặt phẳng rồi sau đó mới tiến hành đặt điện thoại lên để đọc thông tin thẻ. Tuyệt đối không nên cầm thẻ CCCD gắn chip và điện thoại trên tay để tiến hành quét, việc cầm như thế dễ bị rung, dẫn đến quá trình đọc các thông tin không hoàn thành được.
Đối với khách hàng chưa có CCCD gắn chíp thì biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của các khách hàng đối với những giao dịch loại C, D quy định tại Điều 1 Quyết định 2345 sẽ được thực hiện bằng cách khớp đúng với các dữ liệu sinh trắc học được lưu trong Cơ sở dữ liệu sinh trắc học thuộc về khách hàng đã thu thập và kiểm tra, trong đó, việc kiểm tra này được thực hiện bằng phương thức gặp mặt trực tiếp.
Cụ thể, nếu khách hàng thuộc đối tượng này có nhu cầu thực hiện giao dịch trực tuyến trên 10 triệu VND một lần hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu VND thì sẽ đăng ký thông tin sinh trắc học trực tiếp tại quầy giao dịch.
Còn đối với khách hàng có CCCD gắn chíp nhưng điện thoại của họ không hỗ trợ NFC, biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học sẽ được thực hiện bằng các cách sau:
- Thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng đó do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập (Các đơn vị cần tích hợp ứng dụng Internet Banking, Mobile Banking với hệ thống định danh và xác thực điện tử để cung cấp dịch vụ này);
- Khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học đã được lưu trong Cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã được thu thập và kiểm tra.
Như vậy, trong trường hợp khách hàng có CCCD gắn chíp nhưng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC hoặc sử dụng điện thoại có hỗ trợ NFC nhưng gặp sự cố trong khâu quét NFC, khách hàng có thể đến trực tiếp quầy giao dịch ngân hàng để được hỗ trợ (Khách hàng chỉ phải cập nhật thông tin sinh trắc học một lần tại ngân hàng).