Liên quan đến quy định đổi biển số xe thành biển số định danh nhiều người thắc mắc nếu không đăng ký đổi biển số liệu có bị xử phạt hay không.
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 24 năm 2023 quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới, trong đó có nhiều điểm nổi bật quy định về biển số định danh. Được biết, thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8. Tuy nhiên, việc đổi biển số xe hiện tại thành biển số xe định danh khiến người dân vẫn còn chưa rõ quy định về biển số định danh là gì, thủ tục cấp ra sao, thời hạn cấp, chuyển nơi cư trú có phải đổi biển số xe. Đáng chú ý, câu hỏi mà nhiều người thắc mắc nhất có cần phải đổi biển số hiện tại thành biển số định danh không? Và nếu không đăng ký biển số xe định danh liệu có bị xử phạt.
1. Không đổi biển số xe thành biển định danh có liệu có bị xử phạt
Theo Thông tư 24, đối với chủ xe là công dân Việt Nam, biển số xe được quản lý theo số định danh cá nhân (dãy số 12 chữ số trên thẻ CCCD gắn chip). Theo đó, khoản 1, 2 và 4 Điều 39 Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định điều khoản chuyển tiếp như sau:
Đối với xe đã đăng ký biển 5 số trước ngày 15/8/2023:
- Nếu chưa làm thủ tục thu hồi thì số biển số đó được xác định là biển số định danh của chủ xe.
- Nếu đã làm thủ tục thu hồi trước ngày 15/8/2023 thì số biển số đó được chuyển vào kho biển số để cấp biển số theo quy định.
Đối với xe đã đăng ký biển 3 hoặc 4 số:
- Xe vẫn được phép tham gia giao thông trừ khi chủ xe có nhu cầu cấp sang biển số định danh.
- Cấp đổi sang biển số định danh nếu chủ xe thực hiện thủ tục cấp đổi chứng nhận đăng ký xe, cấp đổi biển số xe, cấp lại chứng nhận đăng ký xe, cấp lại biển số xe hoặc đăng ký sang tên, di chuyển xe theo quy định của Thông tư 24/2023/TT-BCA.
Biển số định danh được áp dụng để xác định từng phương tiện cụ thể và giúp hạn chế việc sử dụng biển số giả hoặc vi phạm giao thông trong cộng đồng. Nhìn chung, quy định đổi biển số định danh này nhằm tạo ra sự chuẩn mực và quản lý chặt chẽ về biển số xe, giúp cải thiện an toàn giao thông và định danh phương tiện giao thông một cách hiệu quả.
Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật quy định về mức phạt cụ thể về biến số xe định danh. Tuy nhiên, khi đã chuyển quyền sở hữu, việc sang tên xe đảm bảo rằng thông tin về chủ sở hữu mới đã được cập nhật đúng mực trong hồ sơ đăng ký xe. Việc này giúp xác định rõ người chịu trách nhiệm về việc quản lý và sử dụng xe, đồng thời tránh việc sử dụng xe không chính chủ.
2. Bất lợi của biển số định danh không chính chủ?
Biển số định danh là biển số xe được cấp và được quản lý theo mã định danh của chủ xe. Biển số định danh phải đảm bảo là biển số có ký hiệu số seri, kích thước biển số, số màu biển số theo quy định của Thông tư 24 về đăng ký xe. Nói dễ hiểu hơn, "biển số định danh vẫn được cấp giống như cũ, nhưng khác về cách quản lý, trước đây xe nào biển số đó, còn theo quy định mới thì người nào biển số đó, biển số sẽ đi theo người chứ không đi theo xe".
Về việc áp dụng biển số định danh xe không chính chủ theo mã định danh của chủ xe và những bất lợi của việc này đối với chủ xe cũ và chủ xe mới khi chuyển quyền sở hữu xe có thể đề cập đến như sau:
Bất lợi đối với chủ cũ:
- Chủ cũ sẽ bị mặc định giữ lại biển số xe cũ, và nó sẽ được quản lý theo mã định danh của người đó. Điều này có thể gây phiền hà khi phương tiện gây tai nạn hoặc liên quan đến các vụ án dân sự, hình sự, và chủ cũ có thể bị liên quan hoặc mời làm việc với cơ quan có thẩm quyền mặc dù không vi phạm hay gây án.
Bất lợi đối với chủ mới:
- Chủ mới khi mua xe từ chủ cũ có thể không mang theo biển số cũ của xe, vì nó sẽ được giữ lại và quản lý theo mã định danh của chủ cũ.
- Chủ mới chỉ có thể đăng ký sang tên để sở hữu xe, không thể sở hữu biển số cũ của xe. Khi chuyển quyền sở hữu xe, biển số xe định danh sẽ được giữ lại để cấp lại cho chủ cũ khi họ đăng ký cho xe khác trong thời hạn 05 năm.
Ảnh: Tổng hợp