Được biết nhiều tập đoàn lớn đang có ý định rót vốn hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư khai thác "kho báu" này của Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam được cho là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về trữ lượng quặng bô xít nhôm. Theo đó, Việt Nam đang sở hữu 5,8 tỷ tấn (theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ), chủ yếu tập trung ở mảnh đất Tây Nguyên. Tuy nhiên, chuỗi giá trị nhôm tại Việt Nam vẫn còn hạn chế và chưa có nhà máy nào ở Việt Nam luyện alumin thành nhôm.
Cho đến ngày 18/7/2023, sau thời gian dài nghiên cứu, thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý, tổng sản lượng quy hoạch bô xít tối đa lên tới 118 triệu tấn nguyên khai/năm.
Theo quyết định này, giai đoạn 2021- 2030, quy hoạch Bô xít trên cả nước có 19 đề án thăm dò với trữ lượng xấp xỉ 1.709 triệu tấn quặng nguyên khai, trong đó Đăk Nông là tỉnh có nhiều đề án nhất, cụ thể là 7. Ở khâu khai thác này, bên cạnh việc duy trì công suất các mỏ hiện có sẽ mở rộng mỏ Nhân Cơ, Tân Rai, đầu tư mới 8 – 10 mỏ.
Riêng về công đoạn chế biến cũng đã có kế hoạch cụ thể. Nhà máy Alumin Nhân Cơ và Tân Rai sẽ nâng công suất lên 2 triệu tấn/năm, đầu tư mới 8 dự án với công suất tối thiểu 1 triệu tấn/năm. Ngoài ra, do tiềm năng của Việt Nam còn rất lớn, quy hoạch cũng đề cập việc hoàn thành thí điểm Nhà máy điện phân nhôm Đăk Nông (công suất 300.000 tấn nhôm thỏi/năm).
Điều này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều doanh nghiệp lớn là các "ông trùm" trong lĩnh vực liên quan. Sau khi thông tin chính thức được phê duyệt, nhiều doanh nghiệp đã xin xếp hàng xin được đầu tư vào việc khai thác và chế biến sâu quặng Bô Xít – Nhôm như tập đoàn Hóa Chất Đức Giang (DGC) - nơi đề xuất mức đầu tư 56.000 tỷ đồng; Tập đoàn công nghiệp đa ngành Thaco đứng vị trí thứ 2 khi đề xuất mức đầu tư dự kiến 50.000 tỷ đồng; Cuối cùng là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) dự kiến 4 tỷ USD.
Thông tin này vì thế hiện đang thu hút sự chú ý của nhiều người, tuy nhiên cũng là một tín hiệu đáng mừng. Ngoài ra, các dự án sản xuất nhôm mới bằng công nghệ điện phân phải thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, trong đó khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo. Chính phủ rất khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới để tái chế bùn đỏ.
Ảnh: tổng hợp