Đến thời hạn tất toán sổ tiết kiệm, vì một lý do nào đó, khách hàng không thể đến đúng nơi mình gửi để làm thủ tục rút tiền thì có thể thực hiện ở chi nhánh khác không?
Gửi tiết kiệm ngân hàng có lẽ đang là một trong những lựa chọn hàng đầu của những người có tiền nhàn rỗi, muốn đầu tư nhưng lại muốn an toàn. Tuy nhiên, sau khi gửi tiết kiệm đến ngày đáo hạn, nhiều người vì những lý do nào đó mà không thể đến đúng nơi mà mình đã gửi để làm thủ tục. Họ phân vân không biết mình có thể thực hiện thủ tục rút tiền ở chi nhánh khác của ngân hàng không. Câu trả lời là hoàn toàn có thể..
Lý do là bởi hiện nay, phần lớn các ngân hàng đều sử dụng hệ thống theo dõi và lưu trữ thông tin của khách hàng bao gồm: số tài khoản, chữ ký, tiền lãi, thời điểm gửi tiền và các biến động khác trên tài khoản nên dù là phòng giao dịch hay chi nhánh nào của ngân hàng bạn gửi tiết kiệm trên toàn quốc đều có thể làm thủ tục tất toán sổ tiết kiệm.
Chi phí rút số tiết kiệm khác chi nhánh sẽ phụ thuộc vào quy định của từng ngân hàng, có nơi thu phí và có nơi miễn phí.
Bạn có thể thực hiện tất toán sổ tiết kiệm tại các các chi nhánh khác với 3 hình thức gồm: tất toán trước hạn, tất toán đúng hạn và tất toán quá hạn.
Tất toán trước hạn
Tất toán trước hạn là việc khách hàng rút số tiết kiệm trước thời gian quy định. Trong trường hợp này, người gửi sẽ phải chịu một khoản phí phạt vì đã vi phạm hợp đồng đã ký kết trước đó. Số tiền phạt sẽ tùy thuộc vào quy định của ngân hàng cũng như thỏa thuận của ngân hàng và người gửi. Thông tin này được thông báo cụ thể khi khách hàng mở sổ tiết kiệm.
Tất toán đúng hạn
Khi đến hạn tất toán sổ tiết kiệm theo đúng quy định, bạn mang đầy đủ các loại giấy tờ bao gồm: hợp đồng gửi tiết kiệm, CMND hoặc CCCD đến ngân hàng để làm thủ tục.
Tất toán quá hạn
Khi đến thời hạn tất toán sổ tiết kiệm mà khách hàng không đến làm thủ tục sẽ được xem là quá hạn. Lúc này, ngân hàng thường sẽ tiến hành gia hạn tự động khoản tiền gửi này theo 2 cách như sau:
Cách 1: Ngân hàng sẽ mở sổ tiết kiệm mới cho khách hàng với số tiền gửi là tiền gốc cộng với số tiền lãi trước đó. Thời hạn gửi bằng thời hạn gửi của sổ tiết kiệm trước. Lãi suất tính theo lãi suất hiện hành.
Cách 2: Ngân hàng cũng mở sổ tiết kiệm mới cho khách hàng nhưng chia làm 2 phần. Sổ tiết kiệm mới sẽ là tiền gốc của kỳ trước. Kỳ hạn gửi như sổ trước, lãi suất áp dụng lãi suất hiện hành. Còn về phần tiền lãi phát sinh của sổ trước sẽ được áp dụng là tiền gửi không kỳ hạn.
Đối với trường hợp người gửi là mất sổ tiết kiệm thì cần báo ngay cho ngân hàng để làm giấy báo mất sổ và tránh trường hợp bị tổn thất tài sản.