Thống nhất với nhà gái sính lễ 9 tráp cùng 50 triệu tiền lễ, sát ngày mẹ chồng tiếc của nên lẳng lặng rút lại còn 3 tráp cùng 3 triệu tiền lễ gây xôn xao.
Theo quan niệm từ xưa đến nay của ông bà ta, cưới xin là một trong ba việc lớn nhất của đời người (sự nghiệp, xây nhà và cưới vợ). Khi nhà trai đến xin cưới, nếu nhà gái đồng thuận hôn sự thì sẽ trả lời đồng ý kèm việc “thách cưới”. Thách cưới ở đây là nhà gái yêu cầu nhà trai chuẩn bị tiền thách cưới và các món sính lễ, bao gồm: trà rượu, trầu cau, bánh trái, heo gà, trang phục, trang sức cho cô dâu và tiền mặt.
Mới đây, một cô gái lên mạng xã hội than trời về chuyện sính lễ cưới gây bàn tán. Theo như cô dâu chia sẻ, ban đầu nhà trai thống nhất với nhà gái là 9 tráp cùng 50 triệu tiền lễ, sát ngày mẹ chồng tiếc của nên lẳng lặng rút lại còn 3 tráp cùng 3 triệu tiền lễ khiến nhà cô dâu ngã ngửa.
Cụ thể, cô dâu cho hay: "Ở quê mình hầu như khi rước dâu, nhà trai sẽ đi 7 hoặc 9 tráp cùng với 20 - 30 triệu đồng tiền lễ, không thì cũng 5 tráp với 10 triệu, vì đó là thể diện của nhà gái. Nhưng mình được nhà chồng xin về với vỏn vẹn 3 tráp cùng 3 triệu tiền lễ. Cả nhà mình ngỡ ngàng, ngơ ngác, bật ngửa. Dượng mình giận, suýt hủy đám, khỏi đưa dâu. Mẹ mình khóc ngay sau khi mình đi.
Theo như bàn bạc ban đầu với nhà mình, nhà anh sẽ qua xin dâu với 9 tráp, 50 triệu đồng tiền đen và tặng cô dâu 2 cây vàng. Nhưng đến ngày cưới, phần sính lễ bỗng "có biến". Mẹ chồng mình thấy tốn nhiều nên tự rút xuống còn 3 tráp, cũng không thuê đội bê mà nhờ mấy đứa con nít hàng xóm. Tiền lễ đen chỉ còn 3 triệu, vàng còn một cây. Mẹ chồng mình bảo đấy chỉ là thủ tục rước dâu, tiết kiệm được tí nào hay tí đấy. Phần sính lễ còn lại, bà sẽ giữ giùm tụi mình.
Mình còn bị mẹ chồng nặng nhẹ vì bà cho rằng cưới con dâu này về mà nhà cửa lục đục. Sau đó mình mới biết chồng đã đưa mẹ 400 triệu để lo đám cưới, bao gồm tiền sính lễ. Giờ lùi cũng không được mà tiến cũng chẳng xong", cô dâu xin ý kiến dân tình.
Câu chuyện ngay sau khi được chia sẻ nhanh chóng nhận về ý kiến tranh luận từ bộ phận cư dân mạng xoay quanh việc này. Theo đó, nhiều ý kiến khuyên cô dâu nên "quay xe" trước khi quá muộn, không ít người cho rằng phần sính lễ kia không chỉ là phong tục mà còn là trách nhiệm với lời hứa của nhà trai và chú rể. Nếu nhà trai không thực hiện thì tức là không coi trọng lời hứa hoặc chỉ "nói cho có".
Chưa kể, nếu ngay từ đầu không thể đáp ứng được yêu cầu sính lễ của nhà gái, nhà trai nên thừa nhận thẳng thắn. Sự không trung thực của nhà trai khiến cho sự việc trở thành một trò cười, vừa khiến bản thân tổn thương cũng đồng thời khiến phía gia đình cô dâu mất mặt.