Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe vì thói quen sử dụng một 'món' mà hầu như người Việt nào cũng biết đến. Thậm chí, con số này còn tăng dần theo các năm.
Thuốc lá là sản phẩm gắn liền với nhiều cảnh báo gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng. Tỉ lệ hút thuốc lá ở các quốc gia có xu hướng tăng dần đều, đặc biệt là ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Hầu như mọi người đều biết về tác hại của việc hút thuốc lá nhưng vì 'nghiện' nên khó có thể từ bỏ. Điều này dẫn đến nhiều áp lực cho quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương đến từ Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế chia sẻ, tổn thất kinh tế để điều trị 5 nhóm bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, mất khả năng lao động và tử vong sớm ở Việt Nam rơi vào khoảng 24.000 tỷ đồng (năm 2012), tương đương với việc mất gần 1% GDP của đất nước.
Năm 2020, theo kết quả điều tra về tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành Việt Nam cho thấy, gần 50% nam giới trong độ tuổi trưởng thành đều hút thuốc lá. Hiện tại, phụ nữ và trẻ em cũng liên quan đến vấn nạn hút thuốc lá thụ động tại các gia đình, môi trường công cộng...
Ông Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: "Các sản phẩm thuốc lá được quảng bá và thu hút giới trẻ bằng nhiều hình thức. Đặc biệt là thông qua các phương tiện thông tin, trong đó có nhiều sản phẩm chưa qua kiểm chứng hoặc dễ gây hiểu lầm về tác hại cũng như mức độ nguy hiểm so với thuốc lá dạng điếu. Nhóm thanh thiếu niên dễ dàng mua các sản phẩm thuốc lá kiểu mới mà không rõ nguồn gốc thông qua các trang mạng xã hội hay Internet".
Các chuyên gia cho biết, một trong những lý do khiến tình trạng sử dụng thuốc lá ở Việt Nam vẫn cao hơn mỗi năm là do việc thuế và giá thuốc lá trong nước quá thấp. Mức tăng thuế và giá trong những năm qua chậm hơn mức tăng thu nhập bình quân đầu người và lạm phát. Đây là nguyên nhân khiến sản phẩm thuốc lá ngày càng rẻ và thuận lợi để mua dùng. Nếu tăng thuế thuốc lá và chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp để giảm sức mua thuốc lá sẽ góp phần giảm sử dụng thuốc lá, giảm gánh nặng kinh tế, gánh nặng sức khỏe cho quốc gia.
Hiện nay, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã áp dụng mức tăng thuế thuốc lá và đạt được hiệu quả thành công trong việc giảm sự dụng thuốc lá, tăng ngân sách khi có tình trạng buôn lậu bất hợp pháp.
Tiến sĩ Angela Pratt - trưởng đại diện Tổ chức Y tế (WHO) tại Việt Nam cho biết, tăng mạnh thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm gánh nặng sức khỏe và kinh tế từ thuốc lá. Nhiều năm qua, khắp nơi trên thế giới đã áp dụng cách này và cho thấy rằng việc tăng thuế thuốc lá không phải là nguyên nhân chính làm gia tăng buôn lậu, mà nó góp phần tích cực vào công ăn việc làm lẫn nền kinh tế nói chung.
Được biết, tại Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá được áp dụng là thuế tỉ lệ ở mức 75% tính trên giá xuất xưởng. Tỉ lệ này tính theo giá bán lẻ chỉ khoảng 38,85%. Việt Nam là quốc gia có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar), thấp hơn nhiều so với Brunei, Thái Lan, Singapore, Malaysia...
Ngoài ra, biện pháp thuế đặc biệt có hiệu quả với nhóm thanh thiếu niên. WHO ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá đến 10% hoặc nhiều hơn ở nhóm khách hàng trẻ tuổi. Tăng giá thuốc lá thông qua thuế thuốc lá còn góp phần bảo vệ sức khỏe của trẻ vị thành niên, thanh thiếu niên khỏi nguy cơ tử vong, bệnh tật.
Ảnh: Tổng hợp