Tại Việt Nam lại có câu chuyện về “Càn Long” tìm con nhưng nhận nhầm “Tiểu Yến Tử” giống hệt trong phim Hoàn Châu Cách Cách khiến nhiều người bất ngờ.
Hoàn Châu Cách Cách (hay có tên gọi khác Hoàn Châu Công Chúa) là một trong những bộ phim cổ trang truyền hình kinh điển nhất của điện ảnh Trung Quốc. Phim lên sóng vào năm 1998 nhận được sự quan tâm đông đảo khán giả không chỉ riêng làng giải trí Hoa ngữ mà mà lan khắp khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tác giả của Hoàn Châu Cách Cách cho biết cốt truyện phim xây dựng trên những tình tiết hư cấu. Tuy nhiên, ít ai biết tại Việt Nam lại có câu chuyện về “Càn Long” tìm con nhưng nhận nhầm “Tiểu Yến Tử” giống hệt trong phim khiến nhiều người bất ngờ.
Theo đó, cốt truyện Hoàn Châu Cách Cách kể về cuộc đời cô gái mồ côi Tiểu Yến Tử. Cô tình cờ kết thân với Hạ Tử Vy. Hóa ra ngày xưa Càn Long vi hành gặp nàng Hạ Vũ Hà trong dân gian rồi đem lòng yêu, kết quả là Hạ Tử Vy ra đời. Mẹ Tử Vy chờ mãi không thấy Càn Long trở lại, lúc hấp hối bà có đưa cho con bức chân dung rồi dặn đi tìm cha. Tiểu Yến Tử hứa giúp bạn nhưng lại vô tình khiến Càn Long hiểu lầm mình chính là đứa con ruột, còn Hạ Tử Vy vào cung làm nô tỳ. Từ đó, Tiểu Yến Tử phải phóng lao theo lao, nếu không diễn tròn vai thì chính cô sẽ chết vì tội khi quân. Cuối cùng, Càn Long cũng nhận ra Hạ Tử Vy là con ruột mình, nhưng vẫn cho Tiểu Yến Tử làm con nuôi.
Tại Việt Nam, đây là câu chuyện hoàn toàn có thật được xem là phiên bản thực tế của Hoàn Châu Cách Cách. Cụ thể, anh lính Lê Dương - Bokassa đi lính cho thực dân Pháp. Khi đóng ở Biên Hòa, anh phải lòng cô gánh nước nghèo Nguyễn Thị Huệ. Hai người sống với nhau được ít lâu thì thực dân Pháp thua trận Điện Biên Phủ, Bokassa phải lên đường về châu Phi. Đứa bé gái sinh ra ở Tân Thuận Đông (Quận 7 - Nhà Bè) mang họ mẹ là Nguyễn Thị Martine. Cô lớn lên trong nghèo khổ, phải đi làm công nhân "bốc vác" cho nhà máy xi măng ngoài Thủ Đức.
Lại nói về Bokassa, về nước ông ta tìm cách để trở thành tổng thống, rồi cuối cùng xưng Hoàng đế Trung Phi. Khi đã là vua, ông lại nhớ người con gái gánh nước xưa ở Biên Hòa, lệnh cho tìm kiếm bằng được hai mẹ con. Ngay lúc nhận được tin có một bé gái đúng với đặc điểm như mô tả, ông vội vã tặng quà và mua vé một chiều cho con đến Châu Phi. Lần đầu tiên nhìn thấy Martine, Bokassa đã ôm chầm nức nở.
Thế nhưng đó không phải là Martine, mà là cô gái tên Baxi . Chính quyền Sài Gòn cũ đã tích cực tìm kiếm nhưng đã nhầm lẫn cô gái cũng lai da đen nhà Xóm Gà (thuộc khu vực Gò Vấp - Bình Thạnh) thành công chúa. Chuyện "công chúa thật, công chúa giả" sau đó được một tờ báo phát hiện sau gần một tháng cô gái đến Châu Phi nhận gia đình.
Vua Bokassa khi biết được sự thật đã ra lệnh kiếm thêm lần nữa. Rồi một ngày, cô công nhân bốc vác tại nhà máy xi măng được đưa đến gặp ông. Với những bằng chứng chắc chắn từ phía bà Nguyễn Thị Huệ, Bokassa hoàn thành ước mong của mình là tìm thấy cả mẹ lẫn con. Mặc dù rất giận và đã giam Baxi, nhưng sau đó ông lại thả ra, nhận cô con gái "mạo danh" là con nuôi. Thậm chí, sau đó Bokassa còn ưu ái gọi 2 con gái là Martine lớn (con ruột) và Martine nhỏ (con nuôi) và cho sống cuộc sống vương giả.
Câu chuyện "Hoàng đế" Bokassa tìm con được nhiều người ví như "Càn Long" Trung Phi và "Tiểu Yến Tử" Sài Gòn. Đây là câu chuyện hoàn toàn có thật từng mưa làm gió một thời trên các báo Sài Gòn xưa. Thời ấy sự việc của Martine xuất hiện đều đặn trên báo và là đầu đề bàn tán sôi nổi của nhiều người. Vì thời gian của vua Bokassa diễn ra trước nên nhiều khán giả Việt cho rằng có thể tác giả Quỳnh Dao của Hoàn Châu Cách Cách đã mượn ý tưởng từ kịch bản có thật này cũng nên.
Ảnh: Tổng hợp