Thông tin này hiện đang thu hút nhiều sự quan tâm, nhất là các học sinh khi nhiều năm qua, các thí sinh vẫn tham gia kỳ thi Đại học với 3 môn.
Những quy định hay hình thức của kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm, nhất là với những học sinh cấp 3. Gần đây, bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm lấy ý kiến đóng góp của các sở giáo dục và toàn giáo viên trên cả nước. Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ chung đề, chung đợt, cho học sinh tự quyết định chọn môn học để dự thi tốt nghiệp trong số các môn học lựa chọn.
Về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ đề xuất hai phương án. Theo đó, phương án 1 gồm 6 môn, trong đó 4 môn bắt buộc (Toán - Ngữ văn - Lịch sử - Ngoại ngữ) + 2 môn tự chọn (trong số các môn học sinh chọn học ở lớp 12).
Phương án 2, các thí sinh sẽ dự thi 5 môn trong đó Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học (trong đó có cả môn Lịch sử).
Trên các diễn đàn nhiều nhà khoa học, nhiều nhà quản lý giáo dục, nhiều phụ huynh và nhiều giáo viên tham gia bàn luận sôi nổi về vấn đề này. Trước đó, Nghị quyết 29 nêu rõ là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam để hội nhập sâu rộng với thế giới và trở thành công dân toàn cầu. Đồng thời, trong buổi tổng kết năm học 2022 - 2023 của toàn ngành giáo dục và theo tinh thần chỉ đạo Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT cần tiếp tục đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng nghiêm túc, gọn nhẹ, giảm áp lực nhưng vẫn phải chú trọng chất lượng.
Trước đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 có 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; một bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lý, Hóa học, Sinh học; một bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.