Những chung cư mini nằm trong hẻm sâu, không đảm bảo về an toàn phòng cháy chữa cháy được đề xuất dừng hoạt động, hạn chế rủi ro xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng.
Vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng với 56 người thiệt mạng và 37 người bị thương tại căn chung cư mini số 37, ngách 29/70, phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) khiến công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) càng được quan tâm nhiều hơn.
Ngoài ra, việc căn chung cư mini này nằm sâu trong hẻm nhỏ, khiến công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ gặp nhiều khó khăn khi xảy ra hỏa hoạn. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về tính an toàn với loại hình chung cư mini.
Chung cư mini trong ngõ sâu gây khó khăn trong việc chữa cháy và cứu hộ cứu nạn khi có sự cố xảy ra
Mới đây trong chương trình tọa đàm về PCCC ở chung cư trên báo Dân trí, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam) cho biết theo quy hoạch đô thị thì chỉ có chung cư và nhà ở riêng lẻ. Tuy nhiên vì nhu cầu của người dân mong muốn có căn hộ riêng với mức giá thấp, trung bình nên nhiều người nắm bắt xây dựng nhà ở giá thấp trên đất nền chỉ có diện tích 100 - 200 m2. Xin cấp phép xây dựng dưới dạng nhà ở riêng lẻ rồi xin xây thêm nhiều tầng để bán. Đây tạm gọi là chung cư mini.
Trong văn bản pháp luật Việt Nam, chưa có khái niệm chung cư mini. Trong khi đó tại TP. Hà Nội, chung cư mini nằm trong khu xen kẹt, hẻm sâu, ngõ nhỏ. Rất ít khu chung cư mini xe cứu hỏa có thể vào tận nơi, khi xảy ra cháy rất khó để cứu nạn.
Còn ở TP.HCM, gần các khu công nghiệp, người dân phân phối các ngõ phố rộng để xây nhà từ 5 tầng. Chỉ ở 1 tầng còn cho thuê 4 tầng. Đó cũng là chung cư mini nhưng có chia lô, chia thửa nên đi lại dễ dàng và dễ xử lý khi có sự cố. VTV cũng từng phản ánh trên địa bàn TP. Hà Nội hiếm có chung cư mini nào được cấp chứng nhận quyền sở hữu vì đa số căn hộ dạng này đều ít nhiều vi phạm về thiết kế, mật độ xây dựng và quy định phòng cháy chữa cháy.
Chung cư mini là loại hình nhà ở xuất hiện phổ biến, phù hợp với người có thu nhập thấp
Thời gian gần đây sau vụ cháy thảm khốc tại Khương Hạ, cơ quan chức năng đang vào cuộc kiểm tra để xem chung cư mini nào có thể hoạt động và chung cư nào phải xóa bỏ. Đồng thời phải tổ chức lại, cải tạo thiết kế để ưu tiên cho PCCC và đưa thiết bị PCCC hiện đại vào ngôi nhà. Những ngôi nhà quá cao tầng, nằm sâu trong ngõ nhỏ, hẻm sâu không nên tiếp tục kinh doanh, cho thuê hoặc bán để ở.
Còn theo Luật sư Đặng Văn Cường (Trường văn phòng Luật sư Chính Pháp) cần quản lý các chung cư mini như thế nào để đưa vào nề nếp, đảm bảo an toàn PCCC và quyền của các cá nhân, tổ chức, nhà nước, hướng tới bảo vệ người dân.
Đồng thời cần xem xét lại các tòa chung cư mini, nếu vi phạm thì xử lý. Còn xử lý như nào thì căn cứ vào tính chất vi phạm, quy mô… Nếu cải tạo được, bổ sung được thì vẫn duy trì hoạt động công trình đó và nó sẽ trở nên an toàn hơn, đảm bảo an toàn cho chính người dân. Đối với các công trình có nguy cơ cháy nổ cao, nên không cho phép kinh doanh, bán căn hộ nữa mà chỉ sử dụng với mục đích nhà ở riêng lẻ, đúng với pháp luật công nhận.
Loại hình nhà ở chung cư mini cần đảm bảo về an toàn phòng cháy chữa cháy
Trước đó vào tối ngày 12/9, vụ cháy chung cư mini tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) đã khiến 56 người dân tử vong, 37 người bị thương.
Đây được đánh giá là vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Được biết ngôi nhà xảy ra cháy gồm 9 tầng, dưới dạng chung cư mini cho thuê hoặc bán. Thời điểm xảy ra cháy, trong nhà có hơn 100 người sinh sống. Chủ đầu tư của ngôi nhà chỉ được phép xây 6 tầng là tối đa nhưng đã cơi nới lên thành 9 tầng và cho thuê hoặc bán.