Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có những đề xuất về việc cắt Internet đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trên không gian mạng.
Nằm trong bản dự thảo nghị định thay thế Nghị định 72 năm 2013 và Nghị định 27 năm 2018 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, đề xuất này được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố nhằm lấy ý kiến để triển khai và thực hiện.
Cụ thể, phía cơ quan chủ quản đề xuất các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, trung tâm dữ liệu (Data Center), lưu trữ web có trách nhiệm từ chối và có những can thiệp như ngừng cung cấp dịch vụ nếu Bộ yêu cầu đối với các trường hợp vi phạm pháp luật trên mạng. Đồng thời, các đơn vị nói trên cũng phải kịp thời ngăn chặn và gỡ bỏ các nội dung vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định từ Bộ.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung các điều liên quan đến việc quản lý thông tin và người dùng trên không gian mạng. Chẳng hạn như những quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội thông qua số thuê bao di động Việt Nam, hay phải khóa tạm thời, vĩnh viễn các tài khoản, trang/nhóm, cộng đồng/kênh chứa nội dung vi phạm trên các mạng xã hội trong nước/xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, các đơn vị mạng xã hội cũng phải công khai mô tả quy trình phân phối nội dung đến công chúng, cũng các hoạt động liên quan đến tiếp nhận và xử lý khiếu nại. Mặt khác, với sự phát triển của hình thức livestream hiện nay, chỉ những bên có giấy phép hoạt động MXH hoặc có thông báo hoạt động với Bộ thì mới được phép cung cấp dịch vụ phát sóng trực tiếp (livestream).
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) mới đây cũng ra báo cáo trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ tiến hành gỡ bỏ các thông tin sai sự thật trên một số nền tảng xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 93%. Được biết, riêng Facebook đã ngăn chặn hơn 480 trang quảng cáo game cờ bạc, 72 tài khoản quảng cáo vũ khí/vật nổ/chất liệu gây nổ và hơn 2.400 đường link về dịch vụ bất hợp pháp.
Còn trên Youtube, đội ngũ quản lý đã gỡ bỏ 2.000 quảng cáo thuốc/thực phẩm chức năng bất hợp pháp và các tài khoản quảng cáo vi phạm cùng 632 quảng cáo mua bán/săn bắn động vật hoang dã, nội dung hướng dẫn chế tạo vũ khí…
Ảnh: Tổng hợp