Theo PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn ngữ văn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đề thi Văn năng khiếu dành cho học sinh lớp 7 này là quá sức với các em.
Mới đây, trên các diễn đàn mạng xã hội xôn xao trước 1 đề thi Văn năng khiếu dành cho học sinh lớp 7 của Phòng GD-ĐT H.Cẩm Khê (Phú Thọ). Hai câu hỏi xuất hiện trong đề thi có nội dung như sau: Câu 1 (8 điểm): Ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ có câu: "Người độ lượng bao giờ cũng thấy mình giàu có". Trình bày suy nghĩ của em về câu ngạn ngữ trên. Câu 2 (12 điểm): Bàn về thơ, Đuy-blây viết: "Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim". Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng một tác phẩm thơ em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đề thi này ngay lập tức nhận về khá nhiều bình luận phản ánh của giáo viên lẫn học sinh bởi nội dung câu hỏi quá khó, không vừa sức với học sinh lớp 7, dù là học sinh giỏi. Chia sẻ về điều này, Trưởng phòng GD-ĐT H.Cẩm Khê cho hay sau khi chấm điểm, tổ ra đề và thẩm định ghi nhận 7 em đạt từ 14/20 điểm trở lên, cao nhất là 14,5 điểm và điểm thấp nhất là 6,5. Hơn 50% học sinh tham gia làm bài đều đạt điểm trung bình trở lên trong gần 100 em tham gia thi. Mặc dù nhận thấy đề thi văn trên không sai, phù hợp để đánh giá năng lực học sinh giỏi nhưng Trưởng phòng GD-ĐT H.Cẩm Khê vẫn ghi nhận, tiếp thu ý kiến từ dư luận để kịp thời điều chỉnh những vấn đề chưa tốt.
Đề thi Văn năng khiếu này cũng đã khiến PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn ngữ văn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phải mất ngủ vì quá bận tâm đến nội dung đề ra thi. Theo ông Thống, đề thi này xét về cấu trúc và mô hình, nội dung và yêu cầu đều giống như đề thi học sinh giỏi quốc gia môn ngữ văn dành cho lớp 12 hàng chục năm qua. Thậm chí, ngay cả học sinh giỏi Văn lớp 12 cũng không thể làm hoàn hảo đề thi quá khó này. "Tôi đã không ngủ được cả đêm, không hiểu được vì sao họ lại ra đề ngữ văn cho học sinh lớp 7 như thế, dù là để chọn học sinh giỏi", PGS Đỗ Ngọc Thống nói.
Với tư cách là chủ biên môn ngữ văn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, PGS Đỗ Ngọc Thống cho hay, trước hết các em học sinh phổ thông, đặc biệt là các cấp thấp cần trang bị cho mình nền tảng kiến thức căn bản, phải có năng lực của học sinh bình thường. Để "hơn" các bạn, các em cần thể hiện năng lực vượt trội ở khả năng đọc hiểu và viết. Theo ông, học sinh giỏi Văn không nhất thiết phải làm đề khác hẳn với học sinh bình thường, nếu có khác cũng phải tuân thủ theo yêu cầu cơ bản của chương trình và ở mức độ khó cao hơn. "Học sinh giỏi không phải là những siêu nhân, có nhiều ý kiến kỳ lạ, khác người... trong khi những kỹ năng cơ bản của môn học thì vẫn mắc lỗi...", vị chủ biên này nhấn mạnh.
Từ câu chuyện đề thi năng khiếu quá sức này, PGS Đỗ Ngọc Thống hy vọng các thầy cô hiểu rõ hơn về việc đánh giá học sinh. Các đề kiểm tra, đề thi hay đề chọn lựa học sinh giỏi, học sinh năng khiếu không phải cứ ra càng khó càng lạ sẽ càng hay, ngược lại có thể phản tác dụng khiến học sinh hoang mang, khó thể hiện hết năng lực cá nhân.
Ảnh: Sưu tầm