Tranh cãi nổ ra xoay quanh đề thi Văn lớp 10 được cho là xuất phát từ một trường trên địa bàn TP. Hà Nội có cụm từ nhạy cảm, không phù hợp.
Hình ảnh liên quan đến một đề thi môn Ngữ Văn lớp 10 của một trường học trên địa bàn TP. Hà Nội khiến dư luận quan tâm. Trước đó, trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ đề thi độc lạ với sự xuất hiện của cụm từ "âm đạo". Một số netizen cho rằng đây là cụm từ chỉ bộ phận nhạy cảm của phụ nữ và không nên đưa vào bộ đề thi đối với các em học sinh ở lứa tuổi cắp sách đến trường.
Cụ thể, theo hình ảnh được chia sẻ, trong phần II của đề thi có sử dụng một đoạn ngữ liệu trích từ văn bản "Câu chuyện về con đường" do tác giả Đoàn Công Lê Huy viết và in trong sách Ngữ văn lớp 7 tập 2, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục.
Tuy nhiên, nhiều người phát hiện văn bản ngữ liệu trong đề thi khác hẳn với đoạn ngữ liệu trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7. Một câu văn có ý nghĩa nhạy cảm đã được thêm vào như sau: "Đạo là đường, âm đạo là con đường đầu tiên đưa em ra với ánh sáng, cho em được chính thức làm người"
Sau đó, nhiều người tìm ra đây là đề thi của Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, nhiều bình luận tranh cãi nhằm vào phía nhà trường lẫn các giáo viên và yêu cầu giải thích vì sao có sự xuất hiện của từ ngữ nhạy cảm trong đề thi.
Trả lời PV báo Vietnamnet, đại diện nhà trường - bà Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng khẳng định: "Đề thi văn được lan truyền trên mạng xã hội không phải đề thi thật của trường THCS&THPT Lương Thế Vinh trong buổi thi thử môn Ngữ văn lớp 10 vào ngày 21/5 vừa qua".
Được biết, trong đề thi Văn thật sự do trường cung cấp, các thầy cô cũng lấy ngữ liệu từ văn bản "Câu chuyện về con đường" của tác giả Đoàn Công Lê Huy nhưng đó là trích đoạn trong sách Ngữ Văn lớp 7 và hoàn toàn không có câu văn nhạy cảm. Phía nhà trường cũng không hiểu vì sao một số người cố tình lấy ngữ liệu sai rồi gán danh là đề thi của trường THCS&THPT Lương Thế Vinh.
Ngoài ra, sau khi các học sinh hoàn thành bài kiểm tra, bản nháp và đề thi đều được giám thị thu giữ, không cho phép phát tán ra bên ngoài. Không những thế, đề thi luôn được nhà trường xem xét nhiều góc độ câu từ để phù hợp với học sinh.
Quy trình ra đề thi của trường cũng được làm theo quy tắc khép kín. Hai giáo viên ra đề sẽ bị "nhốt" trong quá trình này để đảm bảo không tiết lộ đề ra bên ngoài, thầy cô cũng không được phép sử dụng di động trong lúc đó, sau khi học sinh kiểm tra xong thì giáo viên mới được "thả" ra ngoài.
Ảnh: Tổng hợp