Sau khi Phan Công Khanh - "ông trùm" siêu xe nứt tiếng tại TP.HCM bị bắt, số lượng siêu xe hàng trăm tỷ của anh nhiều khả năng sẽ được sung vào công quỹ.
Vụ ồn ào của "trùm siêu xe" Phan Công Khanh khiến mạng xã hội xôn xao suốt những ngày qua. Theo đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Phan Công Khanh (SN 1994, quê Bến Tre) để điều tra, làm rõ về hành vi "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản".
Như vậy, trong giai đoạn điều tra, toàn bộ tài sản của Phan Công Khanh trị giá hàng triệu USD sẽ tạm thời bị tịch thu. Nhiều người thắc mắc, không biết cơ quan chức năng sẽ giải quyết thế nào với những chiếc siêu xe đắt đỏ nhất thế giới này.
Mới đây, Luật sư Ngô Việt Bắc (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã chia sẻ với báo Lao Động về vụ việc Phan Công Khanh bị bắt. Đối chiếu quy định tại Điều 174 đối với tội danh "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" trong Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tiền, tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản.
Luật sư Bắc cho hay: "Từ căn cứ đó , các cơ quan chức năng xem xét thực hiện kê biên tài sản thuộc sở hữu của đối tượng để phục vụ quá trình tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, cần hoàn tất việc điều tra để tính toán mức độ phạt tiền, bị tịch thu tài sản đối với hành vi vi phạm của đội tượng, từ đó mới kê biên tài sản tương ứng".
Trong trường hợp những chiếc siêu xe này thuộc quyền sở hữu của người khác thì sẽ không thuộc nhóm đối tượng tài sản bị kê biên. Đối với tài sản đồng sở hữu thì giá trị phần tài sản được kê biên được thi hành án đối với phần sở hữu tương ứng của bị can, bị cáo.
Ngoài ra, luật sư Bắc cho biết cần làm rõ tính pháp lý của những chiếc siêu xe mà Phan Công Khanh đang sở hữu để xem xét những tài sản đó có hình thành bởi hành vi vi phạm pháp luật hay không.
Trong trường hợp tài sản này có được từ hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục bổ sung hồ sơ hoặc tiến hành khởi tố một vụ án khác theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch 04 về phối hợp giữa các cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Số phương tiện trên có thể bị tạm giữ để điều tra và sẽ bị tịch thu, sung quỹ nhà nước nếu có kết luận cuối cùng của cơ quan tiến hành tố tụng cho thấy tài sản này có được từ hành vi phạm tội.
Trước đó, một người phụ nữ tên L.N.T.H. (SN 1991, ngụ TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã tố cáo "trùm siêu xe" Phan Công Khanh lừa đảo lấy giấy tờ gốc của chiếc McLaren mà chị H. sở hữu để đem đi cầm cố lấy 2 tỷ đồng để trả nợ. Mặc dù chị H. đã liên hệ yêu cầu Khanh trả lại giấy tờ cho mình nhiều lần nhưng Khanh vẫn không thực hiện.
Tại cơ quan chức năng, Phan Công Khanh và Mohamach Da Pha - một người cộng sự tại showroom xe của Khanh đã thừa nhận hành vi phạm tội.
Ảnh: Tổng hợp