Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đã không vào đại học mà chọn đi xuất khẩu lao động. Mỗi tháng, các em gửi hàng trăm triệu từ nước ngoài về giúp đỡ cho gia đình.
Việc xuất khẩu lao động không còn quá xa lạ với người dân ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An... trong những năm qua. Đặc biệt, nhiều vùng quê nghèo ở tỉnh Hà Tĩnh như Cương Gián, Mỹ Lộc, Thiên Lộc, Cẩm Nhượng, Thạch Bằng, Thạch Kim... đều có số lượng lớn người dân đi xuất khẩu lao động ở nước. Phần đông là những học sinh vừa hoàn thành chương trình THPT và không thi vào đại học.
Theo ông Nguyễn Hữu Thọ - trưởng thôn Xuân Hải chia sẻ với PV báo Vietnamnet, trong những năm gần đây, hầu hết những học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều tìm cách đi xuất khẩu lao động, một số gia đình có điều kiện hơn thì cho con du học nghề ở nước ngoài. Ông Thọ nói: "Với tâm lý học xong THPT sẽ đi xuất khẩu lao động nên số lượng con em trong thôn học đại học ngày càng ít. Từ năm 2018 đến nay, thôn chỉ có 3 em đang theo học đại học".
Thực tế, tình trạng các học sinh tốt nghiệp THPT xong thì đi xuất khẩu lao động nước ngoài không hiếm gặp ở các thôn xóm, huyện thị tại Hà Tĩnh. Em N.T.M.H. (SN 2004, trú xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) cho biết, năm trước, em thi đỗ vào Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế nhưng không nhập học. Sau đó, em H. đã ôn luyện để lấy bằng IELTS đạt 5.5 hoàn thiện hồ sơ du học nghề tại Australia.
Em H. tâm sự, trong lớp học có 42 bạn nhưng có đến 24 bạn không điền nguyện vọng vào đại học. Cuối cùng chỉ có 9 bạn đỗ đại học, phần lớn những người còn lại sẽ đi sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada... để du học nghề hoặc theo học ngoại ngữ để chuẩn bị đi xuất khẩu lao động. Tại thôn Xuân Hải của em H. sinh sống có 300 hộ dân và có đến 193 người đi xuất khẩu lao động, chiếm số đông là những học sinh đã tốt nghiệp THPT.
Gia đình ông N.V.M. (SN 1971, trú tại thôn Trung Thiên, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) lúc trước từng là hộ nghèo trong vùng. Tuy nhiên, từ khi 2 người con của ông đi lao động ở Đức, cuộc sống của cả nhà ở quê đã ngày càng tốt đẹp hơn. Mỗi tháng, các con sẽ gửi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng về cho gia đình, tương tự như những gia đình khác có con đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
"Hai đứa con của tôi không ai đi học đại học nhưng vẫn kiếm được nhiều tiền. Tốt nghiệp THPT, hai đứa theo học một khóa nấu ăn ở TP.HCM, sau đó sang Đức làm phụ bếp. Hiện mỗi tháng hai cháu gửi về hơn trăm triệu đồng", ông M. nói trên báo Vietnamnet.
Không chỉ riêng nhà ông M. mà nhiều hộ dân trên địa bàn có con đi làm xa xứ cũng tương tự như thế. Theo thống kê, toàn xã hiện có 1.300 người lao động ở nước ngoài, trung bình mỗi tháng gửi về 50 triệu đồng cho gia đình, mỗi năm có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng. Nhờ nguồn tiền từ lao động nước ngoài, các gia đình hộ nghèo trên địa phương đã thoát khỏi cuộc sống vất vả, nhiều căn nhà 4 tầng, lộng lẫy mọc lên không ngừng.
Ảnh: Tổng hợp