Bất chấp nhiều phát hiện mới về tung tích của máy bay MH370, chuyên gia điều tra chỉ trích phía Malaysia đang cố tình tránh né việc mở điều tra lại.
Sự mất tích của chiếc máy bay MH370 thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines sau gần 10 năm đến nay vẫn còn là một ẩn số. Mặc dù phía cơ quan chức năng đã tuyên bố kết thúc việc tìm kiếm máy bay mất tích nhưng nhiều tổ chức, chuyên gia khắp thế giới vẫn không ngừng nghe ngóng, nghiên cứu, điều tra về manh mối của chiếc máy bay này mỗi năm.
Mới đây, trưởng nhóm điều tra về sự mất tích của chiếc máy bay MH370 đã bày tỏ sự nghi ngờ về lời cam kết hứa hẹn của phía Malaysia về việc mở lại cuộc điều tra năm đó. Bất chấp nhiều đề xuất của các đơn vị chuyên môn về việc tìm kiếm ở một khu vực mới hay triển khai những thiết bị tân tiến như tàu không người lái để kiểm tra thì việc Malaysia có đồng ý "bật đèn xanh" cho những cuộc điều tra này hay không vẫn chưa ngã ngũ.
Kỹ sư nghiên cứu hàng không vũ trụ người Anh, ông Richard Godfrey - cũng là trưởng nhóm điều tra độc lập về vụ máy bay MH370 chỉ ra rằng phản hồi của chính quyền vô cùng đáng ngờ: "Theo quan điểm của tôi, chính phủ Malaysia không muốn có thêm bất kỳ cuộc tìm kiếm dưới nước nào nữa để tìm kiếm mảnh vỡ của máy bay MH370".
Richard Godfrey nói với tờ Sydney Morning Herald của Úc rằng, ông nghi ngờ do Malaysia ngại chi tiền trong việc tìm kiếm các mảnh vỡ. Một đồng sự của ông đã bàn giao một trong số các mảnh vỡ được tìm thấy ở Madagascar do Malaysia không trả phí vận chuyển chúng về quê hương của mình.
Trong 4 tháng qua, đã có 2 báo cáo riêng biệt đề xuất tìm kiếm ở khu vực mới thuộc phía nam Ấn Độ Dương để sớm đưa ra kết quả cho vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay MH370 cùng 239 hành khách. Cuộc tìm kiếm đến nay vẫn trong quá trình lấp lửng do phía Malaysia chần chừ, không "bật đèn xanh" cho các hoạt động tìm kiếm.
Nhóm của chuyên gia Richard Godfrey có bằng chứng khẳng định họ nghi ngờ máy bay MH370 rất có thể đã rơi xuống vùng biển rộng lớn cách Perth khoảng 1.500 km về phía Tây và trước đó cuộc tìm kiếm chỉ diễn ra trong 1 nửa diện tích kể trên nên không thể bao quát.
Ngày 8/3/2014, chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã cất cánh từ sân bay ở Kuala Lumpur (Malaysia) và dự kiến đến sân bay ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Tuy nhiên, sau khi cất cánh không lâu, tín hiệu của MH370 biến mất khỏi màn hình của trạm kiểm soát không lưu mặt đất. Bất chấp nhiều nỗ lực tìm kiếm, tung tích của chiếc máy bay này đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn.
Thời gian gần đây, các phân tích đang nghiêng về giả thuyết cho rằng một phi công giàu kinh nghiệm đã cố tình hạ máy bay. Mặc dù vậy, các chuyên gia không cáo buộc trực tiếp cơ trưởng của MH370 nhưng vẫn không loại trừ trách nhiệm của các cơ trưởng, cơ phó về "chuyến hành trình một chiều gây tử vong được điều khiển hoàn toàn".
Trước áp lực của dư luận, phía Malaysia từng trả lời rằng họ sẵn sàng mở lại cuộc tìm kiếm máy bay mất tích nếu có thông tin hấp dẫn và đáng tin cậy. Được biết, cuộc tìm kiếm quy mô lớn của Cục An toàn Giao thông Úc từng bị dừng lại vào năm 2017 với chi phí lên đến 200 triệu USD.