Trong trường hợp cần thiết nhưng chưa nhận được căn cước công dân gắn chip, người dân cần làm gì để biết mã định danh?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước công dân năm 2014, số định danh cá nhân chính là số Căn cước công dân của mỗi người. Tuy nhiên, trong trường hợp công dân chưa nhận được Căn cước công dân, nhưng lại cần có mã số định danh cá nhân thì phải làm sao? Dưới đây sẽ là những cách tra cứu nhanh nhất dành cho bạn:
Tra cứu thông qua giấy khai sinh
Theo khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 có quy định, nội dung đăng ký khai sinh sẽ bao gồm:
a) Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;
b) Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;
c) Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh”.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 5 Thông tư 59/2021/TT-BCA cũng quy định về thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong đó có nội dung rằng: "Số Căn cước công dân, số định danh cá nhân đã có trong Giấy khai sinh là số định danh cá nhân của công dân; các trường hợp công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân, Giấy khai sinh đã có số định danh cá nhân thì sử dụng thông tin về số Căn cước công dân, số định danh cá nhân trong Giấy khai sinh và các thông tin trên thẻ Căn cước công dân, Giấy khai sinh để tiến hành các giao dịch với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”.
Giấy khai sinh sẽ giúp bạn tra cứu ra số định danh cá nhân của mình
*Lưu ý: Công dân đăng ký khai sinh từ 01/01/2016 là thời điểm Luật Hộ tịch chính thức có hiệu lực thì được cấp số định danh cá nhân khi cấp giấy khai sinh.
Tra cứu thông qua qua cổng dịch vụ công
Theo Điều 5 Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định về khai thác thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử như sau:
1. Hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ công kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử để khai thác thông tin của chủ thể danh tính điện tử phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và các hoạt động quản lý nhà nước khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao qua Nền tảng định danh và xác thực điện tử.
2. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ công khai thác thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VNelD, trang thông tin định danh điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử bằng thiết bị, phần mềm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn.
3. Chủ thể danh tính điện tử khai thác, chia sẻ thông tin danh tính điện tử (trừ thông tin sinh trắc học) và thông tin khác của mình đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử với cá nhân, tổ chức khác qua ứng dụng VnelD ”.
Cổng dịch vụ công cũng là địa điểm đáng tin cậy để tra cứu
Đối với trường hợp cá nhân chưa có CCCD, việc tra cứu mã số định danh trên cổng dịch vụ công sẽ bao gồm các bước như sau:
- Bước 1: Truy cập vào Cổng dịch vụ công quản lý cư trú tại địa chỉ: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn/
- Bước 2: Đăng nhập.
- Bước 3: Chọn loại tài khoản muốn đăng nhập.
- Bước 4: Chọn “Lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú”
- Bước 5: Chọn “Thông báo lưu trú”
- Bước 6: Xem số định danh cá nhân tại dấu mũi tên
Tra cứu thông qua VNeID
VNeID đang là ứng dụng được nhiều người dân quan tâm, sử dụng vì sự cần thiết và tiện lợi trong nhiều việc. Ngoài ra, người dùng còn có thể sử dụng ứng dụng này để tra cứu mã định danh của cá nhân một cách dễ dàng và nhanh chóng:
- Bước 1: Đăng nhập ứng dụng VNeID trên điện thoại
- Bước 2: Chọn "Ví giấy tờ" tại màn hình trang chủ của VNeID
- Bước 3: Chọn mục "Thông tin"
- Bước 4: Kiểm tra số định danh cá nhân
Ứng dụng VNeID cũng có chức năng tra cứu số định danh cá nhân
Hy vọng rằng những cách vừa rồi sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc tra cứu mã định danh cá nhân của mình nhé!