Trong lúc đi bắt cá, anh Lâm vô tình vớt được những khúc gỗ thuộc loại gỗ quý hiếm và đắt nhất thế giới.
Trong cuộc sống vốn luôn tồn tại những câu chuyện bất ngờ mà chúng ta không thể nào ngờ tới được. Giống như câu chuyện của anh Nguyễn Văn Lâm ở Quảng Bình, có lẽ anh cũng không thể ngờ rằng bản thân lại vô tình gặp may mắn đến như vậy.
Theo đó, câu chuyện xảy ra vào tháng 2/2013, trong lúc đi đánh bắt cá ở khu vực sông Son, đoạn chảy qua địa phận xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, anh Lâm bỗng thấy lưới bị dính vật cứng, không thể kéo lên được.
Thấy có điều bất thường, anh liền lặn xuống kiểm tra và thấy nhiều khúc gỗ đang kết lại thành một bè . Sau đó, anh tìm cách đưa 4 khúc gỗ lên bờ và nhờ người thẩm định. Kết quả cho thấy đây là 4 khúc gỗ sưa - loại gỗ thuộc hàng quý hiếm và đắt nhất trên thế giới. Theo đó, loại gỗ này được định giá khoảng hàng chục tỷ đồng.
Người dân tò mò khi có người vớt được loại gỗ hiếm
Anh Nguyễn Văn Hạt (cùng thôn Na) nghe tin liền phóng đò tới lặn tìm được 2 phách. Câu chuyện nhanh chóng lan truyền, một nhóm khoảng 30 người tiếp tục ra sông lặn và tìm được 3 phách. Ngoài ra, một số người dân ở thôn Phong Nha cũng tìm được 2 phách.
Tổng cộng, anh Lâm và người dân địa phương đã vớt được 12 phách gỗ sưa. Mỗi phách dài khoảng 2 m, rộng khoảng 35 - 40 cm, dày khoảng 20 cm. Ước tính giá trị mỗi tấm thời điểm hiện tại khoảng 2 tỷ đồng.
Nhận được thông tin, lãnh đạo Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cùng lực lượng kiểm lâm đã tổ chức tiếp cận hiện trường. Tuy nhiên, khi có mặt tại đây, số gỗ sưa vừa vớt được đã bị tẩu tán hết.
Cây sưa đỏ có vỏ ngoài sần sùi, gỗ tỏa ra mùi thơm thoang thoảng đặc biệt có độ bền rất cao
Theo nhận định của cơ quan chức năng, số gỗ sưa này có nguồn gốc cách đây 10 năm. Lúc đó, một nhóm buôn lậu gỗ sưa bị lực lượng kiểm lâm vây bắt nên đã cắt bỏ số gỗ này để chạy trốn. Một số người khác lại nhận định đây là số gỗ từ 3 cây sưa cổ thụ mà lâm tặc đã chặt hạ hồi tháng 4/2012 ở rừng Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.
Mặc dù vẫn chưa có đáp án chính xác về nguồn gốc thật sự của số gỗ sưa này, nhưng có thể thấy rằng chúng đã mang đến giá trị không nhỏ cho cả anh Lâm và người dân địa phương.