Chiếc máy bay tuần duyên Nhật Bản bốc cháy khiến 5 người thiệt mạng. Trong đó, chỉ có duy nhất cơ trưởng may mắn sống sót khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Thông tin liên quan đến vụ tai nạn hàng không thảm khốc vừa xảy ra tại Nhật Bản gần đây thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận. Chiều tối ngày 2/1, một chiếc máy bay của hãng hàng không Japan Airlines bất ngờ bốc cháy dữ dội khi vừa hạ cánh xuống sân bay Tokyo Haneda (Nhật Bản). Thời điểm xảy ra sự cố, trên máy bay chở theo 379 hành khách bao gồm phi hành đoàn. May mắn mọi người đều được cứu thoát kịp thời, không gây thiệt hại nặng về người.
Nguyên nhân của vụ việc được xác nhận là do máy bay của Japan Airlines đã va chạm với một chiếc máy bay của lực lượng tuần duyên đang chuẩn bị làm nhiệm vụ trên đường băng. Chiếc máy bay của lực lượng tuần duyên sau đó cũng cháy rụi khiến 5 trong số 6 người có mặt bên trong thiệt mạng. Chỉ có duy nhất cơ trưởng của máy bay tuần duyên kịp thoát ra ngoài nhưng cũng bị thương rất nặng.
Chiều ngày 3/1, hãng hàng không Japan Airlines đã công bố đoạn ghi âm buồng lái của chiếc máy bay thương mại thời điểm trước khi xảy ra vụ việc. Trong thông cáo, Japan Airlines khẳng định phi công của mình đã được cho phép hạ cánh xuống đường băng số 34. Phi hành đoàn cũng nhắc lại hiệu lệnh này với cơ quan kiểm soát không lưu như một cách xác nhận lại thông tin.
"Trong các cuộc phỏng vấn, phi hành đoàn đã xác nhận và nhắc lại cho phép hạ cánh từ kiểm soát không lưu, sau đó tiến hành các thủ tục tiếp cận và hạ cánh", Japan Airlines viết trong thông cáo.
Mọi sự chú ý lúc này đổ dồn về phía máy bay của lực lượng tuần duyên Nhật Bản. Được biết, chiếc máy bay tuần duyên gặp nạn là một chiếc Bombardier DHC-8-315 do cơ trưởng Genki Miyamoto điều khiển. Cơ trưởng Miyamoto là người có kinh nghiệm dày dặn trong việc điều khiển máy bay làm nhiệm vụ. Theo thống kê, ông đã tích lũy 3.641 giờ bay với hơn 1.149 giờ bay trong vị trí cơ trưởng.
Từ năm 2017, ông Miyamoto đã bắt đầu nhận nhiệm vụ làm cơ trưởng của dòng máy bay DHC-8-315. Tháng 4/2019, ông bắt đầu đóng quân tại căn cứ Haneda cho đến ngày nay.
Ngày 2/1/2024, cơ trưởng Miyamoto cùng 5 người khác bao gồm phi công phụ, chuyên viên điện đài, chuyên viên vận hành radar tuần thám, cơ giới trên không và kỹ thuật viên bảo dưỡng máy bay đã có mặt trên chuyến bay định mệnh. Trước đó, họ nhận nhiệm vụ chuyển hàng hỗ trợ nạn nhân vùng động đất ở miền Trung Nhật Bản. Thi thể của 5 người trên máy bay tuần duyên đã được tìm thấy ở hiện trường máy bay bốc cháy.
Cảnh sát biển Nhật Bản (gọi tắt là JCG) mới đây cũng đã công bố nội dung cuộc điện đàm của cơ trưởng Miyamoto trên chiếc máy bay Bombardier. Vị cơ trưởng 39 tuổi báo cáo với sở chỉ huy ở sân bay Haneda: "Máy bay phát nổ trên đường băng. Tôi đã thoát hiểm. Không rõ tình trạng của những đồng đội trên máy bay".
Mặc dù đã thoát ra khỏi máy bay gặp nạn nhưng cơ trưởng Miyamoto bị thương nặng và hiện vẫn đang được điều trị. Trước những bằng chứng liên quan, nhiều cơ quan truyền thông đặt ra nghi vấn "có thể cơ trưởng JCG đã hiểu nhầm chỉ dẫn từ kiểm soát viên không lưu".
Theo quan chức Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản chia sẻ, rất có thể kiểm soát không lưu tại sân bay Haneda đã cho phép máy bay Japan Airlines hạ cánh và yêu cầu phi cơ của Cảnh sát biển dừng chờ trên đường lăn sát đường băng để tránh nguy cơ va chạm. Tuy nhiên, nhiều khả năng cơ trưởng Miyamoto đã nghe hầm chỉ dẫn và thông báo với sở chỉ huy JCG rằng được "cấp phép tiến vào đường băng để cất cánh".
Hiện, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra để tìm ra kết luận cuối cùng cho vụ tai nạn hàng không khiến 5 người thiệt mạng.