Xôn xao câu hỏi trong chương trình "Ai Là Triệu Phú" đã khiến sinh viên từ 4 trường Đại Học tại Hà Nội nảy lửa tranh luận, dân tình cũng bàn tán râm ran.
Chương trình "Ai Là Triệu Phú" là phiên bản tiếng Việt của Who Wants to Be a Millionaire? một chương trình truyền hình nổi tiếng của Anh. Sau 19 năm phát sóng, Ai Là Triệu Phú vẫn thu hút sự chú ý của những người yêu thích thử thách kiến thức. Mới đây, một câu hỏi trong chương trình này khiến dân tình bàn tán xôn xao, đặc biệt là "thần dân" của 4 trường Đại học tại Hà Nội.
Cụ thể, câu hỏi như sau: "Trong khuôn viên ngôi trường nào sau đây ở Hà Nội có một ngôi chùa cổ". Kèm theo đó là 4 đáp án chương trình đưa ra là: A: Đại học Sư phạm Hà Nội; B: Đại học Dược Hà Nội; C: Đại học Mỏ - Đại chất; D: Đại học Thủy lợi.
Sau khi bàn tán rôm rả, cư dân mạng suy đoán đáp án là bên trong trường Đại học Sư phạm Hà Nội có một ngôi chùa cổ và đây cũng chính là đáp án của chương trình. Qua tìm hiểu, nhiều người khá bất ngờ khi tiếp nhận thêm một thông tin mới, bởi lẽ ít ai biết, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cất giữ trong lòng một “đài sen” mang nhiều dấu tích của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đó là chùa Thánh Chúa. Đây là ngôi chùa có quan hệ mật thiết với hai vị vua nổi tiếng là bậc minh quân trong lịch sử: Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông.
Chùa Thánh Chúa tọa lạc trong khuôn viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bên cạnh là Đại học Quốc Gia Hà Nội thuộc phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Nói về chùa Thánh Chúa, bất kỳ người dân nào của phường Dịch Vọng Hậu cũng đều nhắc đến hai câu ca dao: “Ngàn năm nay có mấy chùa/ Có chùa Thánh Chúa hai vua tôn thờ”. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư (tập 1), chùa đã có từ trước năm 1064, đã là nơi lui tới của hai vua triều Lý và triều Lê.
Tương truyền, lúc bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai tri hậu nội thần Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang sinh hoàng tử Càn Đức - tức Lý Nhân Tông.
Sử cũ cũng chép lại rằng: đầu thế kỷ 15, Nghi Dân có tội với triều đình không được nối ngôi, nên kết bè đảng làm phản, đang đêm bắc thang vào thành Thăng Long đốt cung điện, thái tử Lê Tư Thành phải chạy lánh nạn đổi áo ở lẫn với Tăng Tiểu tại chùa Thánh Chúa. Sau loạn, thái tử được hai vị tôi trung thành của triều đình là Đinh Liệt và Nguyễn Xí rước về lên ngôi hiệu là Lê Thánh Tông. Sau cùng về cung, vua nhớ ơn đã phong tặng cho sư sãi và trùng tu lại chùa.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi lại: "Năm Quý Mão (1063) vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi chưa có con trai, sai chi hậu nội nhân là Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa. Sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang sinh ra Thái tử Càn Đức là Lý Nhân Tông…".
Là một trong những di tích quý hiếm còn lại từ thời Lý, một chứng tích văn hóa Thăng Long, chùa Thánh Chúa được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào ngày 21/1/1989. Với tuổi đời gần một thiên niên kỷ, chùa Thánh Chúa đã trải qua những thăng trầm của lịch sử với biết bao biến động. Ngôi chùa không bề thế không nguy nga nhưng ủ ấp trong dáng dấp trầm mặc cổ kính là sự thanh tịnh và linh thiêng.