Từng là niềm tự hào của gia đình, làng xóm, thủ khoa Đại học phải chịu cảnh sống 43 năm chật vật không nghề nghiệp chỉ vì một đam mê nhiều người không hiểu nổi.
Nhiều người kỳ vọng con của mình sinh ra có trí khôn hơn người, sở hữu thành tích học tập vượt bậc, trở thành thần đồng so với bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, ẩn sau những sự hào nhoáng ấy, cũng có nhiều người trải qua bi kịch trong chính cuộc sống của mình.
Câu chuyện về một nam sinh từng đạt Thủ khoa khi vào Đại học ở Trung Quốc thu hút sự chú ý của truyền thông. Người này tên là Lưu Hán Thanh (SN 1964), từng có một tuổi thơ xuất sắc hơn người.
Theo lời kể của gia đình, từ nhỏ, Lưu Hán Thanh đã bộc lộ tài hoa và sự thông minh. Đặc biệt, anh rất yêu thích những con số và phép tính. Năm 11 tuổi, Lưu Hán Thanh giải được bài toán cao cấp trước sự ngỡ ngàng của giáo viên. Anh từng được xem là thiên tài, thần đồng tại ngôi trường mình theo học.
Với thành tích xuất sắc, Lưu Hán Thanh thi đỗ Thủ khoa một trường Đại học trọng điểm ở Cáp Nhĩ Tân. Anh được mọi người gọi là "Phượng hoàng vàng" vì đã thành công bay ra khỏi ngôi làng nghèo khó. Gia đình, bạn bè và mọi người đều vô cùng tự hào trước cậu học trò xuất sắc này.
Sau khi vào Đại học, Lưu Hán Thanh phân vân giữa việc chọn đi theo ngành Toán học và ngành Nhiệt luyện Vật liệu và Xây dựng. Tuy nhiên, anh nhận thức được nếu đi theo Toán học, anh sẽ khó ứng dụng vào công việc thực tiễn. Chính vì vậy, Lưu Hán Thanh quyết định trở thành sinh viên ngành Nhiệt luyện Vật liệu và Xây dựng.
Thế nhưng niềm đam mê của anh với Toán học vẫn không dừng lại. Năm 3 Đại học, Lưu Hán Thanh vô tình đọc được Giả thuyết Goldbach của nhà toán học nổi tiếng người Đức - Christian Goldbach. Ông hứng thú tìm hiểu và đi sâu và nghiên cứu lý thuyết số.
Lưu Hán Thanh hăng say học hỏi đến mức không tham gia các kỳ thi trong lớp. Điều này khiến ông bị trượt môn và phải hoãn thời gian tốt nghiệp. Sau khi vi phạm trượt môn quá nhiều lần, Lưu Hán Thanh bị đuổi khỏi trường. Từ một sinh viên tài năng, chàng Thủ khoa Đại học năm nào bắt đầu rơi vào bi kịch.
Nhìn thấy hình ảnh Lưu Hán Thanh hiện tại, gia đình, người thân không khỏi lắc đầu. Bố mẹ anh phải đối mặt với áp lực kinh tế nặng nề vì con trai bị đuổi học, không có việc làm. Cả ngày, Lưu Hán Thanh không đi đâu, chỉ ru rú trong nhà để nghiên cứu về Toán học. Thậm chí, anh còn không quan tâm đến thế giới ngoài kia đang diễn ra chuyện gì.
Năm 1989, Lưu Hán Thanh nghiên cứu được lý thuyết "Sự phân bố của các số nguyên tố trong dãy số tự nhiên". Sau đó, một nhà toán học người Na-Uy đã bác bỏ quan điểm của anh vì cho rằng nó không phù hợp và chỉ ra những lỗi sai trong nghiên cứu. 1 năm sau, anh tiếp tục bị một nhà toán học ở Đại học Bắc Kinh phản bác. Tuy vậy, Lưu Hán Thanh cho rằng mình không sai và không cần phải sửa lỗi.
Một nhà khoa học lên tiếng, nguyên nhân do Lưu Hán Thanh đóng cửa giam mình trong nhà để nghiên cứu, không bước ra ngoài trao đổi nên không biết những nghiên cứu mới trên thế giới. Từ đó dẫn đến không ít điểm sai và lỗ hổng trong đề cương của mình.
Quả thật, trải qua hơn 20 năm nghiên cứu, không đi tìm việc làm. Lưu Hán Thanh không những không thành công mà còn rơi vào bi kịch cuộc sống, chật vật hưởng trợ cấp của chính phủ 400 NDT/tháng (khoảng 1,3 triệu đồng). Mặc dù đã bước sang tuổi 59, Lưu Hán Thanh vẫn không có ý định ra ngoài làm việc hay tìm đối tượng kết hôn vì sợ lãng phí thời gian.
Ảnh: Tổng hợp