Dưới đây là những điều lưu ý cần biết khi bị CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra trong lúc lưu thông trên đường.
Trong trường hợp bị Cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe, để tránh việc bị xử phạt “lỗi chồng lỗi”, người tham gia giao thông cần thực hiện những điều sau đây:
1. Chấp hành hiệu lệnh dừng xe, cho xe vào vị trí dừng mà CSGT hướng dẫn
Ngay cả khi chưa rõ đúng sai thế nào người dân cũng cần tuân thủ hiệu lệnh dừng của Cảnh sát giao thông. Theo khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA, kể cả khi người tham gia giao thông không vi phạm, CSGT vẫn có quyền dừng xe nếu đang thực hiện chuyên đề, mệnh lệnh của cơ quan chức năng hoặc nhận được tin báo của cá nhân, tổ chức.
Trường hợp không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của CSGT, người tham gia giao thông có thể bị xử phạt vi phạm về lỗi chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ. Mức phạt đặt ra với hành vi này là từ 04 đến 06 triệu đồng (theo Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
2. Không vội xuất trình giấy tờ mà chờ CSGT chào và yêu cầu gì thì thực hiện
Khi bị CSGT dừng xe chưa hẳn người tham gia giao thông đi sai luật nên bạn cần bình tĩnh để xử lý tình huống.
Theo quy trình dừng xe của Cảnh sát giao thông, khi dừng xe của bạn, CSGT phải chào bằng điều lệnh Công an nhân dân. Sau đó, CSGT mới yêu cầu người tham gia giao thông xuất trình giấy tờ. Lúc này, người tham gia giao thông cần nghiêm túc chấp hành yêu cầu, đưa các giấy tờ liên quan đến người và phương tiện cho CSGT kiểm tra.
3. Yêu cầu CSGT thông báo lỗi vi phạm
Theo điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, CSGT có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Do đó, khi CSGT lập biên bản, người tham gia giao thông có thể yêu cầu CSGT giải thích rõ về lỗi vi phạm và chứng minh lỗi vi phạm. Trường hợp người tham gia giao thông cho rằng mình đi đúng luật nhưng CSGT vẫn khẳng định đi sai và lập biên bản, bạn nên ghi thêm ý kiến của mình vào biên bản.
4. Nếu cần thiết có thể sử dụng điện thoại để quay phim, ghi hình lại toàn bộ quá trình làm việc với CSGT
Theo Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA, người dân có quyền giám sát CSGT thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Do đó, nếu tự tin là mình đi đúng luật và tránh tình trạng bị “bắt láo”, người tham gia giao thông nên quay phim hoặc ghi âm lại có bằng chứng khiếu nại sau này.